Hàng chục héc ta đất bị sử dụng sai mục đích

Các trạm trộn bê tông vẫn ngang nhiên hoạt động trong hành lang thoát lũ.
Các trạm trộn bê tông vẫn ngang nhiên hoạt động trong hành lang thoát lũ.
TP - Sở TN&MT Hà Nội đã chỉ ra hàng loạt sai phạm về quản lý và sử dụng đất thuộc hành lang thoát lũ sông Hồng - phường Thanh Trì và Lĩnh Nam. Nhưng những vi phạm mới vẫn phát sinh, doanh nghiệp vẫn cho thuê trao tay.

Không thể xử lý sai phạm?

Từ lâu, đoạn đường Nguyễn Khoái từ địa phận phường Thanh Trì đến phường Lĩnh Nam để đi lên cầu Thanh Trì đã trở thành nỗi khiếp sợ của người dân. Bởi đoạn đường này liên tục xuất hiện hàng trăm lượt xe tải cỡ lớn, các xe trộn bê tông… tung bụi mờ mịt bất kể đêm ngày.

Nguyên nhân trực tiếp của sự ô nhiễm này chính là hàng loạt trạm trộn bê tông tươi hoạt động ngày đêm ngay phía trong đê. Điển hình là Cty Cổ phần Sông Đà - Việt Đức lắp đặt trạm trộn bê tông tươi với công suất 180 m3/giờ trên khu vực bãi Nghè thuộc phường Lĩnh Nam. Tiếp đó, ngay dưới chân cầu Thanh Trì là trạm trộn bê tông vốn để phục vụ xây dựng cầu Thanh Trì từ năm 2002. Đến khi hoàn thành cầu vào năm 2010, trạm trộn bê tông này không những không chuyển đi mà lại tiếp tục cho thuê lại để hoạt động. Bên cạnh đó, còn có trạm trộn bê tông tươi của doanh nghiệp A&P hoạt động sát chân cầu Thanh Trì. Doanh nghiệp này còn tận dụng luôn gầm cầu làm bãi đỗ xe tải trọng lớn.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài 4 trạm trộn bê tông, đất bãi ngoài đê Thanh Trì còn là điểm tập kết gas khổng lồ. Tất cả đều cách chân cầu Thanh Trì khoảng dưới 100m. Ngoài nhà xưởng chứa gas lợp tôn xập xệ thì còn hàng trăm bình gas được tập kết ngoài trời. Dưới nắng nóng, phương tiện phòng cháy chữa cháy sơ sài, ai có thể đảm bảo an toàn khi xảy ra cháy nổ? Theo quan sát, ở đây có khoảng 4 kho tập kết gas của các Cty Ngọn lửa thần, Cty Vinh Quang và một số kho bãi không ghi tên doanh nghiệp. Mỗi kho có diện tích từ 1.000 - 5.000 m2.

Được biết, từ năm 2005 - 2013, UBND phường Thanh Trì đã ký hợp đồng cho thuê đất công với 21 doanh nghiệp, tổng diện tích là 254.000 m2. Đây là sai phạm nghiêm trọng của UBND phường Thanh Trì, trong khi phường không có thẩm quyền ký hợp đồng cho thuê đất. Sai phạm lại chồng lấn sai phạm, khi doanh nghiệp đứng ra ký hợp đồng rồi lại cho thuê lại kiếm lời dưới hình thức liên doanh liên kết. Đơn cử như Cty Cổ phần Thương mại và xây dựng Hồng Anh ký hợp đồng giao đất với phường nêu rõ: Đầu tư trồng cây sinh thái, tuy nhiên, Cty này đã cho 19 doanh nghiệp khác thuê lại để làm nhà xưởng, trạm trộn bê tông, tập kết vật liệu, bãi đỗ xe…

Ngày 4/10/2013, Sở TN&MT Hà Nội đã có kết luận thanh tra khẳng định,  việc UBND các phường ký hợp đồng cho thuê đất với doanh nghiệp là trái thẩm quyền. Cùng với đó, Sở TN&MT Hà Nội đề xuất thành phố chấp thuận việc giữ nguyên hiện trạng, không cho phát sinh mới. Thành phố Hà Nội sau đó đã có chỉ đạo chấp thuận chủ trương này với điều kiện giữ nguyên hiện trạng công trình đã xây dựng. Cùng với đó, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục về đất đai và ký hợp đồng thuê đất với nhà nước, thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất trong tháng 3/2014.

Tuy nhiên, hơn 2 năm trôi qua, tại phường Lĩnh Nam mới có 1 doanh nghiệp, phường Thanh Trì có 6 doanh nghiệp ký hợp đồng thuê đất với thành phố, số doanh nghiệp còn lại vẫn “phớt lờ” chỉ đạo cố kéo dài thời gian để thu lợi bất chính. Đơn cử, như trạm trộn bê tông tươi của Cty Sông Đà - Việt Đức đã hết giấy giấy phép từ lâu nhưng vẫn không chịu di dời. Hay như Cty Vinh Quang mở kho tàng chưa gas diện tích hàng ngàn mét vuông nhưng không hề có tên trong danh sách các doanh nghiệp được kiến nghị làm thủ tục thuê đất của Sở TN&MT.

Cơ quan chức năng biện minh cho sai phạm

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam Nguyễn Đức Thọ lý giải: Nếu theo giấy trắng mực đen thì đúng là sai phạm nghiêm trọng, còn nếu theo dõi lịch sử vùng đất này thì là “câu chuyện bình thường”. Trả lời câu hỏi vì sao chính quyền không có hướng xử lý dứt điểm các vi phạm này, có hay không sự dung túng sai phạm? Ông Thọ đưa ra một thông báo về việc đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn ngày 20/6/2016, tuy nhiên trên thông báo không có một chữ nào nhắc đến đơn vị “khủng” nhất là trạm trộn bê tông Sông Đà - Việt Đức hoạt động ngang nhiên không giấy phép. Không những vậy, lãnh đạo phường Lĩnh Nam lại đặt câu hỏi ngược: Nếu cưỡng chế thì được gì? Bóc xi măng lên thì lại là cát, rác thải sinh hoạt người dân chôn lấp hàng chục năm. 

Theo ông Dương Văn Hòa, Chủ tịch UBND phường Thanh Trì, do mới về nhận chức được 9 tháng nên nhiệm vụ của ông là giữ nguyên trạng các công trình vi phạm trên địa bàn phường. Ông Hòa cho biết, hiện đang có 19 doanh nghiệp hoạt động ngoài bãi, phường Thanh Trì lập một tổ công tác chỉ chuyên theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp ngoài đê, không cho phát sinh thêm. Ông này đề nghị, thành phố sớm có quy hoạch chính thức, có giải pháp cho doanh nghiệp. Đơn vị nào đủ điều kiện thì cấp phép, đơn vị nào không đủ thì lập tức cưỡng chế. Về quản lý xe tải trọng lớn, vật liệu cháy nổ dưới gầm cầu, ông Hòa đẩy trách nhiệm sang Sở GTVT Hà Nội vì “phần dưới gầm cầu thuộc quản lý của Sở GTVT Hà Nội”.  

Nếu theo giấy trắng mực đen thì đúng là sai phạm nghiêm trọng, còn nếu theo dõi lịch sử vùng đất này thì là “câu chuyện bình thường”.

(Ông Nguyễn Đức Thọ, Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam)

MỚI - NÓNG