Đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an Hà Nội đã chỉ đạo như vậy tại Hội nghị tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến Quốc lộ 1A, 1B, 21A và 21B của Công an Hà Nội, diễn ra sáng 11/4.
Theo thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó phòng CSGT, Công an Hà Nội, từ ngày 16/12/2015 – 15/3/2016, toàn thành phố đã xảy ra 384 vụ tai nạn giao thông, khiến 141 người chết và 297 người bị thương. So sánh với thời gian liền kề trước đó, tình trạng tai nạn giao thông đã giảm trên cả 3 tiêu chí (giảm 54 vụ, giảm 27 người chết và 66 người bị thương). Tuy nhiên một số tuyến quốc lộ 1A, 1B, 21A và 21B lại có dấu hiệu trở thành điểm nóng về tình tai nạn giao thông. Điển hình như: địa bàn huyện Chương Mỹ xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông, làm 11 người chết và 66 người bị thương; Long Biên 24 vụ, 6 người chết và 21 người bị thương; Thường Tín xảy ra 17 vụ, khiến 7 người chết và 17 người bị thương.
Cũng theo đánh giá của Phòng CSGT - Công an Hà Nội, tai nạn giao thông xảy ra nhiều nhất vào khung giờ từ 18h đến 22h, với những nguyên nhân chủ yếu là đi sai phần đường, vi phạm tốc độ, không chú ý quan sát,…
Tại hội nghị, đại diện Công an các quận, huyện và các Đội CSGT trực thuộc Công an Hà Nội cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại khiến tình hình tai nạn giao thông tại một số địa bàn tăng cao trong thời gian vừa qua như: công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về TT - ATGT cho nhân dân trên địa bàn còn hạn chế và nội dung tuyên truyền chưa sâu sắc, mang tính hình thức; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa được xử lý dứt điểm, trong khi đó một số ban ngành vào cuộc cầm chừng.
“Mặt khác, việc phối hợp bố trí lực lượng giữa các đơn vị để tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã còn hạn chế, kết quả xử lý chưa cao; CBCS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, hạn chế việc tuần tra lưu động, chưa bố trí hợp lý lực lượng tại các "điểm đen" TNGT...” – lãnh đạo Phòng CSGT - Công an Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận.
Sau khi nghe báo cáo cũng như ý kiến, kiến nghị của các đơn vị nghiệp vụ, đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an Hà Nội yêu cầu công an các quận, huyện, thị xã báo cáo UBND các cấp đảm bảo TTATGT, phối hợp giải tỏa hành lang vi phạm; tăng cường xử lý nhất là những vi phạm là nguyên nhân dẫn tới TNGT nghiêm trọng, tập trung vào các phương tiện như xe khách, xe tải trọng lớn, xe ba bánh. Phòng CSGT cần thành lập các tổ công tác đặc biệt xử lý nghiêm vi phạm, kiểm tra chéo các địa bàn tránh để xảy ra tình trạng vi phạm “nhờn” luật…
Trong ba tháng đầu năm, chỉ tính riêng tại các địa bàn dọc các tuyến quốc lộ trọng điểm, lực lượng CSGT Hà Nội đã xử lý 25.740 trường hợp vi phạm luật giao thông với số tiền gần 8 tỷ đồng.