"Có khả năng lực lượng sẽ được cử đến Ukraine để giám sát chiến thuật và khả năng chiến đấu của lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên được điều động để hỗ trợ Nga", nguồn tin cho biết.
Nếu được triển khai, nhóm này dự kiến sẽ bao gồm các quân nhân từ các đơn vị tình báo, những người có thể phân tích chiến thuật chiến trường của Triều Tiên hoặc tham gia thẩm vấn những người Triều Tiên bị bắt.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Jeon Ha-kyou cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ, rằng viện trợ hậu cần và nhân đạo của Hàn Quốc cho Ukraine, chẳng hạn như mặt nạ phòng độc và khẩu phần ăn dã chiến, có thể tiếp tục.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đang xem xét hỗ trợ vũ khí cho Ukraine trong một động thái có thể đảo ngược chính sách "không trực tiếp cung cấp viện trợ sát thương" mà Seoul theo đuổi trước đó.
"Trong khi theo dõi những dấu hiệu hợp tác quân sự giữa Triều Tiên và Nga, các biện pháp ứng phó sẽ được thực hiện theo từng bước", nguồn tin cho biết. "Thay vì vũ khí sát thương, vũ khí phòng thủ sẽ được ưu tiên, và ngay cả khi viện trợ sát thương được cung cấp, chúng tôi sẽ ưu tiên chuyển giao gián tiếp".
Hàn Quốc vận hành một loạt các hệ thống vũ khí phòng thủ, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa đất-đối-không tầm trung Cheongung-II.
Trước đó, tình báo Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên quyết định điều lực lượng đặc nhiệm đến hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.
Một phái viên Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc hôm 21/10 bác bỏ cáo buộc của Hàn Quốc và Ukraine, gọi đây là "tin đồn vô căn cứ", khẳng định mối quan hệ giữa nước này với Mátxcơva là "hợp pháp và hợp tác".
Cùng ngày, Đại sứ Nga tại Hàn Quốc Georgy Zinoviev nhấn mạnh sự hợp tác với Triều Tiên "không nhằm mục đích chống lại lợi ích an ninh của Hàn Quốc". Ông tuyên bố sự hợp tác này được thực hiện "trong khuôn khổ luật pháp quốc tế".