Hàm ý của Trung Quốc khi điều đặc phái viên sang Nga – Ukraine một lần nữa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu sắp lên đường thực hiện một chuyến ngoại giao con thoi nữa, nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Hàm ý của Trung Quốc khi điều đặc phái viên sang Nga – Ukraine một lần nữa ảnh 1

Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu. (Ảnh: Sputnik)

Trong chuyến đi bắt đầu từ ngày 2/3, ông Lý Huy sẽ đến Nga, Ukraine và trụ sở Liên minh châu Âu ở Brussels. Ông cũng sẽ đến Ba Lan, Đức và Pháp. Đây là lần thứ hai đặc phái viên Trung Quốc thăm khu vực, sau chuyến đầu tiên vào năm ngoái nhưng không đạt được kết quả cụ thể nào.

Ngày 29/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, mục đích của chuyến đi là “xây dựng đồng thuận để chấm dứt xung đột và mở đường cho đối thoại hòa bình”.

Bà Mao khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò “độc nhất” trong các nỗ lực hòa bình.

Ukraine hiện nay đang cạn vũ khí và thiếu binh lính, trong khi phương Tây xoay xở để thực hiện lời hứa hỗ trợ quân sự cho Kiev. Nga được cho là đang có lợi thế trên chiến trường.

GS Wang Yiwei, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh, cho rằng tâm lý mệt mỏi vì xung đột có thể tạo cơ hội cho đàm phán ngừng bắn. “Tuy nhiên, đàm phán sẽ phụ thuộc vào tình hình chiến trường”, ông nói.

Bắc Kinh duy trì quan điểm trung lập và muốn đóng vai trò trung gian trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ quan hệ gần gũi với Nga.

Li Lifan, một chuyên gia về Nga tại Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải, cho rằng chuyến công du của đặc phái viên lần này cũng là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cải thiện quan hệ với châu Âu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sang thăm châu Âu trong năm nay.

Theo ông Li Lifan, Trung Quốc có thể đề xuất một số thay đổi trong phương pháp hòa giải trong chuyến đi của ông Lý Huy, đồng thời “phản hồi phàn nàn của một số quốc gia châu Âu”. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng tương lai cuộc xung đột phụ thuộc vào Mátxcơva và Kiev, “thay vì chịu ảnh hưởng của một nước thứ ba”.

Justyna Szczudlik, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Quốc tế Ba Lan, cho rằng chuyến đi của ông Lý “không thực sự là hòa giải” mà là “một phần của ngoại giao nụ cười”, hay “ngoại giao quyến rũ”.

Ông Lý Huy tránh gây chú ý kể từ chuyến công du châu Âu lần trước. Ông vắng mặt trong hầu hết hội nghị hòa bình toàn cầu về Ukraine trong năm qua, bao gồm hội nghị ở Copenhagen và thượng đỉnh ở Malta vào tháng 10 năm ngoái.

Ông Lý tái xuất bất ngờ chỉ vài ngày sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine tròn 2 năm không phải là để dàn hòa, mà để cải thiện hình ảnh ở châu Âu, trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp diễn ra.

Ông Lý Huy dự hội nghị thượng đỉnh về Ukraine tại Ả-rập Xê-út vào tháng 8 năm ngoái, đưa ra kế hoạch 12 điểm với nội dung chung chung để kêu gọi ngừng bắn và đàm phán hòa bình để kết thúc xung đột.

“Trung Quốc có thể cảm thấy rằng đây là thời điểm tốt để họ thể hiện thiện chí đối với vấn đề Ukraine, khi tình hình chiến trường không có lợi cho Ukraine. Trung Quốc đang cố gắng cho châu Âu xem một chiếc hộp đẹp đẽ nhưng không thay đổi nội dung bên trong”, ông Szczudlik đánh giá.

Theo SCMP
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.