Nga phản ứng với phát biểu của Tổng thống Pháp về việc đưa quân đội châu Âu đến Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể không thể tránh khỏi nếu các quốc gia thành viên trong khối quân sự do Mỹ đứng đầu đưa quân tới Ukraine. Phát biểu được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu ra khả năng này.
Nga phản ứng với phát biểu của Tổng thống Pháp về việc đưa quân đội châu Âu đến Ukraine ảnh 1

Tổng thống Pháp tại hội nghị về Ukraine ngày 26/2. (Ảnh: Reuters)

Ngày 26/2, khoảng 20 nhà lãnh đạo châu Âu họp bàn tại Paris nhằm gửi tới Nga thông điệp về quyết tâm của châu Âu đối với Ukraine, trong bối cảnh lực lượng Nga đang giành thế chủ động trên chiến trường.

“Chưa có sự đồng thuận ở giai đoạn này… về việc gửi quân tới hiện trường. Không nên loại trừ điều gì”, ông Macron nói với báo chí.

Trong cuộc họp báo ngày 27/2, ông Peskov nói rằng những người phản đối đề xuất này "có đánh giá tỉnh táo về những rủi ro tiềm ẩn" khi đưa lực lượng NATO đến Ukraine. Ông cảnh báo điều đó sẽ "hoàn toàn đi ngược lại lợi ích của các quốc gia đó" và người dân của họ.

Khi được hỏi về khả năng xảy ra xung đột trực tiếp với NATO nếu quân đội phương Tây được gửi đến Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, “trong trường hợp này, chúng ta không phải nói về khả năng xảy ra mà là về tính tất yếu”.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết, Mỹ không có kế hoạch gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine và cũng không có kế hoạch gửi quân NATO đến chiến đấu ở chiến trường này.

Mátxcơva coi xung đột Ukraine là một cuộc chiến đại diện do Mỹ đứng sau để chống Nga. Nga đã nhiều lần cảnh báo, với việc cung cấp vũ khí ngày càng hiện đại cho Kiev, các thành viên NATO đang tiến gần hơn đến một cuộc đối đầu trực tiếp.

Ông Macron mời những người đồng cấp châu Âu tới Điện Elysee để dự cuộc họp được sắp xếp vội vàng nhằm bàn cách tăng cường cung cấp đạn dược cho Ukraine, trong bối cảnh tình hình chiến trường Ukraine có những bước chuyển đáng kể nghiêng về phía Nga.

Sau những thành công ban đầu trong việc đẩy lùi lực lượng Nga, Ukraine hứng chịu những thất bại trên chiến trường phía đông, khi các tướng lĩnh của nước này phàn nàn về tình trạng thiếu vũ khí và binh lính.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico, người phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine, cho biết một số thành viên NATO và Liên minh châu Âu đang xem xét đưa binh lính đến Ukraine trên cơ sở song phương.

“Tôi có thể xác nhận rằng có những quốc gia sẵn sàng gửi quân tới Ukraine, có những quốc gia nói không bao giờ, trong đó có Slovakia, và có những quốc gia nói rằng đề xuất này cần được xem xét”, ông nói với báo chí trước khi lên máy bay.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, ứng cử viên hàng đầu cho vị trí tổng thư ký kế nhiệm của NATO, nói với báo chí rằng vấn đề gửi quân không phải là trọng tâm của cuộc họp ngày 26/2.

Trong phát biểu trực tuyến tại hội nghị, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky ủng hộ cảnh báo của ông Macron về sự leo thang xung đột: “Chúng ta phải đảm bảo rằng Nga không thể phá hủy thành tựu của chúng ta và không thể mở rộng sang các quốc gia khác”.

Ông Macron nói: "Nhiều người hôm nay nói 'không bao giờ, không bao giờ' cũng chính là những người đã nói 'không bao giờ xe tăng, không bao giờ máy bay, không bao giờ tên lửa tầm xa' cách đây 2 năm”.

“Chúng ta hãy khiêm tốn nhận ra rằng chúng ta thường trễ hẹn từ 6 – 12 tháng. Đây là mục tiêu của cuộc thảo luận tối nay: Mọi thứ đều có thể xảy ra nếu điều đó hữu ích để đạt được mục tiêu của chúng ta”, ông nói. Nhà lãnh đạo Pháp cũng nói rằng châu Âu không nên phụ thuộc vào Mỹ trong vấn đề Ukraine.

Đã có tiến triển trong sáng kiến do CH Séc dẫn đầu nhằm mua hàng trăm nghìn quả đạn pháo từ các nước thứ ba để cung cấp cho Ukraine. Đây là điều Pháp thận trọng vì muốn ưu tiên phát triển ngành công nghiệp riêng của châu Âu.

Nguồn cung cấp đạn dược trở thành vấn đề quan trọng đối với Kiev. Trong khi đó, Liên minh châu Âu có thể lỡ mục tiêu gửi cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo vào tháng 3 như đã cam kết.

Thủ tướng CH Séc Petr Fiala cho biết, khoảng 15 quốc gia đã đồng ý tham gia sáng kiến của ông. Tổng thống Macron cho biết Paris cũng sẽ làm như vậy, và đồng ý với một liên minh nhằm tăng tốc độ cung cấp tên lửa tầm xa.

Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho biết, các bộ trưởng quốc phòng đã được giao nhiệm vụ phải trình kế hoạch trong vòng 10 ngày tới.

Ông Rutte thông báo Hà Lan sẽ đóng góp 100 triệu euro (108,5 triệu USD) để mua đạn dược từ ngoài EU. Ông cho biết, các quốc gia cung cấp vũ khí yêu cầu không nêu tên.

“Tôi nghĩ có một cảm giác rất cấp bách, đặc biệt là trong thời gian ngắn về đạn dược và phòng không. Tôi hy vọng các nước khác sẽ làm theo”, ông Rutte nói.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Ngoại trưởng Anh David Cameron cùng các nhà lãnh đạo từ các quốc gia Scandinavi và Baltic cũng tham dự cuộc họp lần này.

Lên kế hoạch thăm Kiev trong tháng 3, Tổng thống Macron rất muốn tìm kiếm giải pháp sau khi hội nghị an ninh vừa qua ở Munich không đạt được kết quả.

Theo Reuters, RT
MỚI - NÓNG