Các kiểu thay “nòng”
- Gắn bi: Để “súng” gồ ghề, to hơn, không ít quý ông đã rạch da “của quý” để nhét bi hình tròn hoặc lục lăng bằng sắt, hay nhựa vào. Mỗi kiểu nhét bi có một tên gọi, ví dụ một bi được gọi là “anh hùng độc lập”, hai bi cấy ngang thì gọi là “mắt cá vàng” (do lấy bi từ chai rượu ngoại nhãn vàng), cấy dọc thì gọi là “tình mẫu tử”, gắn bốn bi một lúc là... “tứ trụ triều đình”(?).
Khi đặt vật lạ vào, dương vật sẽ chảy máu, nhưng do da vùng này mau lành nên trước mắt, mọi việc sẽ êm đẹp nếu khử trùng tốt.
- Đeo bông: Da quy đầu dính vào dương vật bởi một sợi dây nhỏ. Để làm đẹp “đàn em”, người ta sẽ bấm lỗ và đeo khoen tại vùng này. Khi có sẵn chỗ đeo bông tai, "khúc biến tấu trang điểm" ngày càng phong phú. Tùy tính cách, họ có thể gắn thêm bất kỳ những gì tự cho là đạt ba Đ: đẹp - độc - đỉnh.
Các trường hợp trang trí thêm cho “súng ống” thường do các ông tự chế hoặc làm cho nhau. Tiến sĩ - bác sĩ (BS) Nguyễn Thành Như - Ủy viên Ban chấp hành Hội Y học giới tính châu Á - Thái Bình Dương APSSM, cho biết: “Các BS chỉ thực hiện các biện pháp điều trị có bằng chứng khoa học và được cho phép bởi cơ quan quản lý y tế quốc gia. Do đó, không BS nào thực hiện các thủ thuật này.” Khi tự làm, các anh phải đối diện với cơn đau tại vùng nhạy cảm, nguy cơ nhiễm trùng do không đảm bảo vệ sinh.
Việc tân trang công cụ đều vì mục tiêu tạo cảm xúc nhớ đời cho bản thân, nhưng…
Nhớ đời!
Theo BS Mai Bá Tiến Dũng - Khoa Nam học BV Bình Dân TP.HCM, nhiều người đeo bông, nhét bi vào “súng ống”… cho rằng họ làm thế là để đối tácthỏa mãn, nhưng khi BS hỏi “người yêu có thỏa mãn không?” thì câu trả lời của các ông thường là... “không biết”.
Trong khi đó, ở phòng khám phụ khoa, đã có trường hợp vùng kín tiết dịch và bốc mùi hôi thối sau khi “lâm trận” vài ngày. BS phát hiện trong âm đạo có chùm lông giống như lông đuôi ngựa.
Sau khi lấy dị vật, bệnh nhân được uống kháng viêm, kháng sinh, đặt thuốc âm đạo để đề phòng nhiễm trùng ngược lên tử cung, buồng trứng, gây vô sinh và những bệnh nguy hiểm khác.
Những viên bi tuy không gây thương tích cho “muội muội” vì ẩn náu dưới lớp da của “huynh huynh”, tuy nhiên, với phụ nữ chưa qua sinh nở, “cánh cửa” chưa mở đủ rộng thì chính kích thước không tương xứng giữa “anh và ả” đã làm rạn vùng niêm mạc. Nhiễm trùng bắt đầu từ vết rạn này.
Người ta cho rằng “súng ống” cứng sẽ tăng khoái cảm, nhưng thực chất khoái cảm không đơn thuần do “công cụ” mà dựa vào tình cảm hai bên. Việc hiểu sai đưa đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến hạnh phúc sau này, ví dụ viêm nhiễm, trầy, tổn thương là những nguy cơ dẫn đến vô sinh.
Đâu là “hàng chất lượng cao”?
Phần lớn các ông luôn áy náy, lo lắng về kích thước của “đàn em”, sợ không đủ lực, sợ thất thế… Thực tế, những trường hợp “súng ống” ngắn khi “vươn vai đứng dậy” thường do thiếu nội tiết tố nam (testosterone). Đặc điểm nhận dạng trường hợp này ngoài việc thiếu thước tấc của “đàn em”, còn có tinh hoàn nhỏ, hệ mao thưa thớt. Những trường hợp bệnh lý này có thể điều trị. BV Bình Dân TP.HCM đã chữa thành công cho nhiều ca.
Để biết “hàng họ” của đàn ông Việt có thứ hạng thế nào so với các nước, TS-BS Nguyễn Thành Như đã thực hiện nghiên cứu sau: chọn ngẫu nhiên 100 người đàn ông Việt để đo kích thước dương vật. Kết quả, khi thu nhỏ “bé” cao 6,4cm, còn lúc phóng to, “bé” cao 11,1cm.
BS Như đã so sánh với “thước tấc công cụ” của đàn ông một số nước. Thì ra, độ “to cao” của quý ông Việt không bằng các chàng cao bồi xứ cờ hoa (Mỹ 8,8 - 12,9cm), các chàng nghìn lẻ một đêm (Ả rập 9,3 - 13,5cm) và Malaysia (8,3 - 12,1cm), nhưng “ngon lành” hơn các chàng xứ sở kim chi (Hàn Quốc 6,9 - 9,6 cm).
Điều này chứng minh các anh đã lo quá xa! Thực sự, “đàn em” được coi là ốm còi, kém chất lượng khi “vươn vai” cao chưa tới 6cm. Nhưng không ít người dù vượt qua con số đó vẫn tự cho là hàng của mình kém chất lượng. Vì vậy, việc “điều chỉnh” tâm lý chiếm một vai trò quan trọng trong điều trị.