Hải Phòng: Mảng tối trong dự án chiếu sáng phòng học

Đèn CM1 được lắp ở Trường THCS Chu Văn An
Đèn CM1 được lắp ở Trường THCS Chu Văn An
TP - Dự án lắp đặt bóng đèn tiết kiệm điện trong các trường học ở Hải Phòng đang bị nhiều phụ huynh học sinh cũng như người trong ngành giáo dục đất Cảng bức xúc, bởi những vấn đề giá cả, lạm thu và một số dấu hiệu bất minh khác.
Đèn CM1 được lắp ở Trường THCS Chu Văn An
Đèn CM1 được lắp ở Trường THCS Chu Văn An.

Mỗi trường thu một kiểu

Cuối tháng 10-2008, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (thuộc Bộ Công Thương) phê duyệt hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho Hải Phòng để cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng sử dụng điện năng tiết kiệm, hiệu quả trong các trường học (gọi tắt là dự án Chiếu sáng học đường Hải Phòng), với số tiền gần 5 tỷ đồng. Hải Phòng cũng trích từ ngân sách thành phố hỗ trợ thêm gần 6,3 tỷ đồng.

Tiếp đó, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án – ông Đỗ Thế Hùng trát công văn xuống các trường, yêu cầu phải đóng tổng cộng hơn 6,3 tỷ đồng, gọi là 30% số tiền lắp đèn. Tổng cộng, số tiền cho dự án lên đến hơn 17,5 tỷ đồng, để nâng cấp hệ thống chiếu sáng cho 2.150 phòng học, với mục tiêu vừa bảo vệ mắt học trò vừa tiết kiệm điện.

Hiện dự án Chiếu sáng học đường do Sở GD&ĐT Hải Phòng làm chủ đầu tư mới lắp đặt xong hơn 1.110 phòng học, chiếm khoảng hơn 50% khối lượng.

Hiệu trưởng các trường có tên trong dự án không cách nào khác là bổ đầu cha mẹ HS thu tiền. Nhưng mỗi trường thu một kiểu. Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh thu 70 nghìn đồng/ HS; Trường THCS Chu Văn An thì từ 40 đến 70 nghìn đồng/ HS tùy theo khối lớp; Trường Tiểu học Lê Hồng Phong lại thu tới 150 nghìn đồng/ HS khối lớp 1...

Nhiều cha mẹ HS bức xúc phản ánh, họ đã bị nộp quá nhiều khoản tiền ngoài quy định của Bộ GD&ĐT, giờ lại gánh thêm tiền... bóng đèn.

Trao đổi với PV Tiền Phong, hiệu trưởng một số trường (xin giấu tên), nhất là các trường ở ngoại thành cho biết, họ cương quyết từ chối không tham gia dự án, chỉ vì đơn giản là thương học trò nghèo và giá thành dự án quá đắt, gấp đôi giá thị trường. “Nếu cần ánh sáng để bảo vệ mắt học trò thì với số tiền BQL dự án bắt cha mẹ HS đóng góp cũng đủ cho chúng tôi tự lắp đèn được, không cần đến tiền dự án hỗ trợ” - Một hiệu trưởng nói.

Sáng đèn, tối giá

Theo báo giá tháng 10-2010 của Cty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, giá bộ đèn tiêu chuẩn chiếu sáng lớp học CM1 theo đúng quy định của Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu là 243 nghìn đồng/bộ. Mỗi lớp học bình thường trong dự án Chiếu sáng học đường ở Hải Phòng cần 11 bộ đèn như vậy.

Với giá trên, cộng cả công lắp đặt... cùng lắm chỉ hơn 4 triệu đồng/phòng học. Trong khi tổng số tiền dự án hơn 17,5 tỷ đồng chia cho 2.150 phòng học, thì trung bình mỗi phòng được đầu tư gần 8,16 triệu đồng. Như vậy, gần 50% số tiền của dự án thất thoát đi đâu - Anh Nguyễn Văn Dũng (có con đang học tiểu học) nhẩm tính.

Trong quá trình đi tìm hiểu về dự án, PV Tiền Phong còn phát hiện một số dấu hiệu không bình thường khác. Chẳng hạn, theo như các quyết định, báo cáo của ông Đỗ Thế Hùng gửi một số cơ quan T.Ư và TP Hải Phòng, cha mẹ HS chỉ phải đóng 30% tiền lắp đặt đèn. Song, Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh phải đóng tiền đến 70%, THCS Chu Văn An bị ép đóng đến 50%...

Bên cạnh đó, đến tháng 9-2009, gói thầu mới đấu thầu xong, và Liên danh Cty Cổ phần Thương mại Minh Khai (Hải Phòng) - Cty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Hà Nội) trúng thầu. Thế nhưng, theo bà Nguyễn Thị Thọ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, trường này đã lắp bóng đèn tiết kiệm chống cận thị CM1 cho các lớp xong từ đầu năm học 2008.

Ông Đào Hồng Tuyến mới về nhậm chức Hiệu trưởng THCS Chu Văn An và một số cán bộ trường này cũng cho biết, họ đã thuê doanh nghiệp lắp hệ thống đèn CM1 ở 20 phòng học từ hè 2007 và đầu năm 2008...

Như vậy, trước khi có dự án Chiếu sáng này, nhiều trường đã tự thu tiền cha mẹ HS lắp đặt xong hệ thống đèn tiết kiệm. Thế nhưng, khi thực hiện dự án, BQL dự án lại đưa tất cả các trường trên vào danh sách để thanh quyết toán.

Hẹn làm việc với báo chí sáng 6-1 nhưng đến giờ chót Giám đốc Sở Đỗ Thế Hùng cáo bận và ủy quyền cho Chánh văn phòng Sở - ông Đỗ Văn Lợi trả lời. Ông Lợi thừa nhận, có đến 10 trường học đã tự lắp đặt hệ thống đèn tiết kiệm CM1 trước năm 2009 (trước khi dự án triển khai -PV).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG