TPO - Hai nhà thơ Lữ Mai và Nguyễn Quang Hưng- đều làm việc tại báo Nhân dân- giao lưu độc giả trong khuôn khổ Ngày sách Việt Nam lần thứ 6 vào 19/4, nhân hai cuốn sách Nối những vệt không gian và Hà Nội không vội được đâu. Dịp này hai tác giả chia sẻ xung quanh vùng đất, con người Hà Nội.
Hai cuốn sách với chủ đề "Từ núi đồi gặp phố" do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. TS. Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Văn học nói rằng, bên cạnh xuất bản những tác phẩm kinh điển, NXB luôn quan tâm và tạo điều kiện cho các tác giả trẻ.
Hai cuốn tản văn đều của hai cây bút trẻ, chọn viết về Hà Nội với cảm nhận đa dạng về đời sống xã hội, văn hóa, dòng chảy truyền thống, nhịp sống đương đại… Đồng thời, hai tác giả chia sẻ những suy ngẫm, thái độ sống cùng tình yêu đối với Hà Nội hôm nay của những người thuộc thế hệ công dân trẻ đang sống, làm việc và trưởng thành tại Hà Nội.
Hai tác giả nói chuyện Hà Nội nhân Ngày sách Việt Nam lần thứ 6. Ảnh: Nguyên Khánh
Hà Nội không vội được đâu là tập văn xuôi (gồm tản văn và một số truyện ngắn) của tác giả Lữ Mai do NXB Văn học phát hành năm 2014, tái bản năm 2019. Sau ấn phẩm này, dự kiến, cuối tháng 4 năm 2019, Lữ Mai sẽ ra mắt tập truyện ngắn Linh hồ.
Hà Nội không vội được đâu là những trang viết của một người trẻ, xuất thân từ miền đất Thanh Hoá cảm nhận về Hà Nội của ngày hôm nay với nhiều đổi thay. Không chỉ gồm những tản văn viết về Hà Nội, cuốn sách còn ẩn chứa góc nhìn từ những trải nghiệm Hà Nội vọng về cố hương, ký ức trong nguồn cảm hứng “sống chậm, nghĩ chậm từ Hà Nội”. Nối những vệt không gian của Nguyễn Quang Hưng là sự phản chiếu những chuyển động trong đời sống của tác giả, qua con mắt một người trẻ nhận thấy ở vẻ đẹp văn hóa truyền thống và trong vẻ đẹp tâm hồn, tâm tính con người những giá trị bền vững, cho rằng cần phải kết nối đời sống hiện đại với nguồn mạch quá khứ, lưu giữ và vận dụng bản sắc. Hà Nội trong sách của Nguyễn Quang Hưng đa dạng từ Hà Nội của trung tâm Thủ đô, Hà Nội nơi tiếp giáp và Hà Nội mở rộng của những con đường xứ Đoài dẫn ra làng quê ngoại thành, dẫn vào những nẻo núi sông kỳ thú. Đó là suy nghĩ chân thành về việc yêu giữ, tôn vinh những đẹp đẽ của Hà Nội xưa cũ, của Hà Nội rộng lớn, Hà Nội mới mẻ.
Hai cuốn tản văn của hai nhà thơ trẻ viết về Hà Nội. Ảnh: Nguyên Khánh
PGS.TS. Ngô Văn Giá, nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, là người từng dìu dắt hai cây viết trẻ nói rằng vui khi đọc cả hai cuốn sách. “Họ đều là nhà thơ nên cách quan sát đời sống, cảm nhận đời sống đầy tinh tế”. Đồng tình với nhận định của TS. Ngô Văn Giá, nhà thơ Trần Hữu Việt đánh giá hai cuốn tản văn này khác hẳn với một số tác phẩm của những bạn trẻ thường viết facebook, diễn đàn với chuyện tình cảm mây bay gió thổi. Trong những trang viết của Lữ Mai và Nguyễn Quang Hưng là sự chắt chiu từ những chiêm nghiệm, cả những ký ức mạnh mẽ của riêng họ. Nhà văn Đỗ Bích Thuý nói rằng đọc tản văn Nguyễn Quang Hưng thấy anh có cách nhìn của nhà nghiên cứu, khiến chị liên tưởng tới Phan Cẩm Thượng.