Cần bộ tiêu chuẩn, Cục khuyến học?

Ngày sách Việt Nam là một trong những dịp khuyến khích người dân đọc sách, nâng cao dân trí Ảnh: BẢO HÂN
Ngày sách Việt Nam là một trong những dịp khuyến khích người dân đọc sách, nâng cao dân trí Ảnh: BẢO HÂN
TP - Cho rằng khuyến đọc tạo ra sinh khí cho xã hội, ông Nguyễn Quang Thạch-người sáng lập chương trình Sách hóa Nông thôn- đề xuất cần có Cục Khuyến học để đánh thức tiềm năng của 22 triệu độc giả là học sinh, sinh viên.

Hội thảo “Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức ngày 17/4. Sự kiện này chuẩn bị cho lễ tổng kết và đánh giá 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng về Ngày Sách Việt Nam. Gần 20 tham luận từ các bộ, ngành, chuyên gia bàn thảo thực trạng, chính sách cho văn hóa đọc cũng như kiến nghị và đề xuất giải pháp.

Đề cao vai trò của sách, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành phát biểu:  “Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng đồng nghĩa với việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền tảng tri thức trong mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội”.

Nhiều đại biểu mổ xẻ thực trạng văn hóa đọc. “Cần nhìn nhận thực tế Việt Nam chưa bao giờ có văn hóa đọc: Trước 1945, hơn 90% dân số mù chữ. Từ 1945 đến 1975 lại chiến tranh liên miên nên việc đọc sách chưa phải là thói quen của toàn dân. Từ 1975 đến nay, đói nghèo, phát triển nóng và thiếu tư duy vĩ mô về thư viện không thể tạo thói quen đọc cho số đông dân chúng trên bình diện quốc gia”, ông Nguyễn Quang Thạch người sáng lập chương trình Sách hóa Nông thôn nêu quan điểm.

Trong quá trình “cõng sách” xuyên Việt, ông Thạch phỏng vấn hơn 3 nghìn học sinh sinh viên và người lớn để cho ra con số đáng suy nghĩ: Chỉ 38 người biết đến cuốn Những tấm lòng cao cả, 20 người biết đến Robinson CruisoGóc sân khoảng trời dù cả ba cuốn sách đều được trích trong sách giáo khoa. Văn hóa đọc ở đô thị có thể có chuyển biến trong nhiều năm gần đây sau khi phong trào văn hóa đọc lên cao, tuy nhiên ở nông thôn vẫn đáng ngại.

Ông Nguyễn Quốc Chiến, Phó GĐ Sở Thông tin và Truyền thông Yên Bái cho biết dù còn khó khăn, trình độ phát triển không đồng đều nhưng tỉnh phát động và thực hiện Ngày sách Việt Nam theo chủ trương của Thủ tướng. Trong quá trình đưa văn hóa đọc đến với vùng sâu vùng xa, còn nhiều khó khăn về nguồn lực đầu tư cho thiết chế văn hóa phục vụ văn hóa đọc, phát hành sách của nhà nước, chỉ có một số nhà phát hành sách tư nhân nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu ở vùng đô thị”, ông Chiến nói.

Nhiều người cho rằng đọc sách là việc cá nhân không cần phải hô hào, tạo thành phong trào, tuy nhiên các nhà quản lý, xuất bản đồng quan điểm: vẫn cần một ngày hội để lan tỏa văn hóa đọc. Ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho rằng, muốn phát triển phong trào đọc sách trước hết cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của sách và thói quen đọc sách. “Việc này cần triển khai đồng bộ, liên tục, không nên chỉ đợi đến tháng Tư, dồn vào những hoạt động hướng đến chào mừng Ngày Sách Việt Nam”, ông nói.

GS.TS. Đinh Xuân Dũng có giai đoạn chúng ta cấm đoán một số lĩnh vực, gần đây lại thiếu những xuất bản phẩm đề cập vấn đề lớn của đất nước, tràn lan ấn phẩm chạy theo thị trường. Cần đầu tư toàn diện hơn để xuất bản những loại sách có giá trị lâu dài, góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam.

 “Bên cạnh Cục Xuất bản, In và Phát hành thuộc Bộ TT-TT, tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có Cục Khuyến đọc để đánh thức tiềm năng nghe và đọc sách của hơn 22 triệu học sinh, sinh viên. Sự thiếu vắng khuyến đọc trong nhiều thập niên qua đã gây ra siêu lãng phí sự sáng tạo quốc gia”, ông Thạch nói. Ông cũng đề xuất Bộ GD&ĐT cần xây dựng tiêu chuẩn khuyến đọc và thư viện, xây dựng tủ sách và khuyến đọc ở trường và ở nhà.

Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6 khai mạc 18/4 tại Công viên Thống Nhất, kéo dài hết 22/4. Có 84 đơn vị trong đó 37 NXB, 47 đơn vị phát hành tham gia với khoảng 100 gian hàng. Thư viện Quốc gia cũng mở sự kiện Ngày hội sách 2019 với triển lãm, giao lưu giới thiệu sách.

MỚI - NÓNG