Hai bộ quy tắc

TP - Công chức Hà Nội không được nói tục, không được mặc áo không cổ, váy ngắn... Đó là một số quy định trong bộ quy tắc ứng xử do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội sắp ban hành, quy định hành vi của viên chức Hà Nội nói riêng và người dân nói chung tại những khu vực công cộng.

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Hà Nội có ý định đưa ra các bộ quy tắc ứng xử đối với công chức nói riêng và người dân thủ đô nói chung. Lần trước, tức là cuối năm 2014, khi dự thảo lần đầu được đưa ra, đã có nhiều ý kiến nghi ngờ tính khả thi. Tất nhiên những người nghi ngờ có lý của họ. 

Nhưng điều không nghi ngờ gì là cần phải làm gì đó để Hà Nội lấy lại sự thanh lịch, văn minh (nếu từng có), hoặc tạo nên những nền nếp của một thủ đô. Chính vì lẽ đó, ủng hộ các bản quy tắc là điều chúng ta cần làm, mặc dù những quy định còn có ý kiến này nọ, vốn khó tránh khỏi mỗi khi trưng cầu ý kiến đại chúng.

Trong lần lấy ý kiến này,  Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đưa ra đồng thời hai bộ quy tắc ứng xử: Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Điều khó khăn, như lãnh đạo Sở  thừa nhận, chính là sự đón nhận của cán bộ, công chức và người dân thủ đô. 

Bởi có đón nhận, có thực hiện thì các bộ quy tắc mới có giá trị thực tiễn. Khó khăn ấy thể hiện ngay ở thực tế là ban soạn thảo cho đăng dự thảo các bộ quy tắc trên cổng thông tin điện tử của thành phố để lấy ý kiến đóng góp của người dân, nhưng gần như không nhận được phản hồi góp ý nào. 

Và sau khi có thông tin về các bộ quy tắc của Hà Nội, trên mạng đã dấy lên một số ý kiến cho rằng nhiều quy định có vẻ xâm phạm quyền con người, nhất là những quy định với cán bộ, công chức… Tuy nhiên, những ý kiến này chưa thực sự xác đáng.

Anh có quyền xăm mình, có quyền nói tục, nhưng vẫn muốn giữ quyền đó thì đừng làm giáo viên dạy trẻ con, làm cảnh sát đại diện cho luật pháp hay làm cán bộ, công chức đại diện chính quyền giao dịch với người dân.

Và trong số những ý kiến phản đối cũng có nhiều người từng kêu ca rằng Hà Nội bây giờ lộn xộn quá, chẳng còn đâu nét thanh lịch xưa. Nhưng kêu ca và hành động để thay đổi là hai việc khác nhau, thể hiện hai thái độ rất khác nhau trước thực tế.

Hành động bao giờ cũng tốt hơn nói suông. Cứ đưa các bộ quy tắc vào áp dụng, nhất là đối với cán bộ, công chức, vì “cán bộ đi trước, làng nước theo sau”. Cho dù ban đầu hiệu quả có thể không như mong muốn, nhưng ít nhất ta sẽ biết cần phải làm gì tiếp theo.

MỚI - NÓNG