Đặc nhiệm Pháp vẫn đang săn đuổi hai kẻ gây ra vụ thảm sát tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, giữa thủ đô Paris, ngày 7/1 khiến 12 người thiệt mạng và hơn 10 người khác bị thương.
Hai anh em nhà Kouachi, Said Kouachi (34 tuổi) và Cherif Kouachi (32 tuổi) là những nghi phạm chính trong vụ xả súng đẫm máu tại trụ sở tạp chí châm biếm Charlie Hebdo.
Theo CNN, cả hai tên này đều là công dân Pháp, sinh ra tại Paris, bố mẹ là người Algeria. Hai tên này mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ.
Một nguồn tin thân cận lực lượng an ninh Pháp nói với hãng CNN rằng, các nhà điều tra có bằng chứng cho thấy, một trong hai tên từng tới Syria hồi năm ngoái. Trong khi đó, tờ USA Today (Mỹ) báo cáo, cả hai tên này quay trở về nước từ Syria mùa hè năm ngoái.
Theo một quan chức thực thi pháp luật Mỹ, cả hai anh em nhà Kouachi đều nằm trong dữ liệu của Mỹ là các phần tử đã biết tên hoặc phần tử nghi ngờ khủng bố quốc tế. Cả hai tên này cũng nằm trong danh sách cấm bay của Mỹ trong nhiều năm qua. Hiện, chưa rõ liệu bọn chúng có bất kỳ mối quan hệ nào với các tổ chức khủng bố quốc tế hay không.
Trong khi các đặc nhiệm Pháp đang ráo riết săn lùng hai kẻ chính, cảnh sát cho biết, nghi can thứ ba, Hamyd Mourad, 18 tuổi đã ra đầu thú.
Cherif Kouachi (32 tuổi)
Theo CNN, Cherif từng bị bắt giam trong tù vì liên kết với khủng bố. Tên này bị kết án 3 năm tù giam vào năm 2008 sau khi tham gia vòng tuyển thánh chiến tới Iraq tại Paris.
Trước đó, Cherif bị bắt giữ tháng 1/2005, khi mới 22 tuổi khi cùng một người đàn ông khác vạch kế hoạch chuẩn bị lên đường tới Iraq.
Theo một báo cáo từ France3, miêu tả Cherif là một fan trẻ của nhạc rap, tuy nhiên, hắn thay đổi từ khi chịu ảnh hưởng từ giáo sĩ Hồi giáo cực đoan Farid Benyettou.
Khi bị bắt, tên này cho biết trở nên cực đoan từ sau cuộc chiến tranh của Mỹ tại Iraq và những hình ảnh tù nhân bị ngược đãi trong trại giam Abu Ghraib.
Hắn và sáu người khác, trong đó có cả Benyettou bị kết án vào năm 2008 vì tham gia chiêu mộ chiến binh tại Pháp. Tuy nhiên, sau đó, hắn được phóng thích nhanh chóng dù chưa chịu đủ mức án.
Theo truyền thông Pháp, Cherif từng là một người đưa pizza và bán cá ở một siêu thị tại thời điểm bị xét xử.
Năm 2010, Cherif bị buộc tội liên quan tới một vụ hỗ trợ phần tử Hồi giáo Algeria Smain Ait Ali Belkacem tẩu thoát khỏi tù sau khi Belkacem đánh bom tại một trạm đường sắt ở Paris năm 2005. Song, theo Le Monde, các công tố viên cho hay, tên này sau đó được vô tội.
Tờ Le Figaro đưa tin, các phóng viên báo này đã nói chuyện với những người hàng xóm của Cherif. Tên này sống cùng vợ. Họ miêu tả Cherif là một người lịch sự, khá dè dặt và rất vui vẻ.
Một người hàng xóm còn cho hay, vợ của Cherif luôn chùm khăn kín, chỉ để hở đôi mắt. “Vợ anh ta không nói chuyện với bất kỳ người đàn ông nào”.
Said Kouachi (34 tuổi)
Said định cư ở thành phố Reims, tỉnh Marne, miền bắc nước Pháp và cảnh sát đều biết mặt tên này.
Một quan chức Mỹ cho hay nước này đã nhận được thông tin từ cơ quan Tình báo Pháp rằng Said đã từ tới Yemen hồi cuối năm 2011 với danh nghĩa thành viên của một chi nhánh Qaeda tại đó.
Khi ở Yemen, Said nhận được nhiều loại vũ khí khác nhau từ al- Qaeda và được đào tạo bắn súng.
Một quan chức Pháp cũng xác nhận việc Said được đào tạo tại Yemen, tuy nhiên, ông không đưa thông tin chi tiết về thời gian cũng như nó kéo dài bao lâu.
Trong vụ tấn công tại trụ sở tuần báo Charlie Hebdo, cảnh sát tìm thấy thẻ căn cước của tên này bị rơi trong ô tô trong lúc hắn chạy trốn.
Mohammed Benali, người quản lý một nhà thờ Hồi giáo tại Gennevillers cho biết, trước đây hai anh em nhà Kouachi chùa cầu nguyện khá thường xuyên. Tuy nhiên, ít nhất 2 năm trở lại đây, ông không nhìn thấy một trong số hai tên này.
Ông Benali nói Said là “một người dè dặt” nhưng cũng có lần tỏ ra rất giận dữ, phẫn nộ ngay tại nhà thờ khi các họ khuyến khích các tín đồ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống.
“Anh ta rất tức giận, rời phòng cầu nguyện rồi bày tỏ sự phẫn nộ”.
Theo hãng Liberation (Pháp) cho biết, hai anh em Kouachi từng có thời gian sống với một người Pháp đã cải đạo Hồi.
Said từng bị bắt giam để thẩm vấn, nhưng sau đó được tại ngoại. Said bị cảnh sát chú ý đến nhiều trong vụ điều tra âm mưu phá vỡ nhà tù vào năm 2010, tuy nhiên, sau đó, cảnh sát không có bằng chứng để tiếp tục điều tra.