Hacker nắm quyền kiểm soát hệ thống Patriot của Đức

Hacker nắm quyền kiểm soát hệ thống Patriot của Đức
TPO - Một nhóm hacker bí mật đã nắm quyền kiểm soát các hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Đức được bố trí ở Thổ Nhĩ Kỳ, giáp với Syria trong một động thái “không thể giải thích được”.

Hãng tin Sputnik dẫn tờ The Local cho biết, một nhóm hacker giấu mặt đã tấn công hệ thống tên lửa phòng không Patriot được Đức bố trí tại Thổ Nhĩ Kỳ, trên khu vực gần biên giới Syria.

Nguồn tin cho biết, hệ thống bao phòng thủ hỏa tiễn gồm 6 dàn phóng và 2 radar đã “bị ép” thực hiện hàng loạt lệnh “không thể giải thích được”.

Vào thời điểm hệ thống bị tin tặc điều khiển, các sĩ quan chỉ huy hệ thống Patriot không thể đưa ra bất cứ mệnh lệnh nào.

Tuy nhiên, The Local không cho biết các hệ thống phòng không này đã tiến hành các hoạt động bất thường như thế nào và thời điểm cụ thể xảy những hoạt động đó, bởi đó là “bí mật không được phép tiết lộ”.

Trong khi đó, tạp chí Spiegel cùng ngày có phân tích, nhận định có thể tồn tại 2 điểm yếu trong hệ thống tên lửa. Thứ nhất là khả năng tương tác, trao đổi thông tin giữa bệ phóng tên lửa và hệ thống điều khiển của nó. Điểm hạn chế còn lại có thể nằm ở các chip máy tính điều hướng cho vũ khí.

Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của Khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương và được coi là nước có quan điểm cứng rắn chống chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Những hệ thống tên lửa phòng không sản xuất tại Mỹ và được biên chế trong quân đội Đức này đã được đưa tới khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria từ cuối năm 2012, sau khi Ancara đề nghị đồng minh bảo vệ trước nguy cơ cuộc chiến tranh ở Syria lan rộng đến biên giới nước mình.

Patriot ra đời để chống lại mọi loại máy bay tiên tiến cũng như các loại tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình với tốc độ lúc tấn công mục tiêu của tên lửa lên đến Mach 5, tương đương tốc độ 6.125 km mỗi giờ.

Tên lửa Patriot PAC-2 dài 5,2 m, có đường kính 0,4m và sải cánh 0,85m. Đầu nổ của nó mang 90 kg thuốc nổ mạnh sẽ tạo ra một vùng sát thương lớn giúp tiêu diệt mục tiêu dễ dàng. Tên lửa Patriot được trang bị hệ thống dẫn đường TVM, có thể cập nhật liên tục dữ liệu của mục tiêu cho trung tâm chỉ huy mặt đất.

Patriot PAC-3 được nâng cấp từ Patriot PAC-2 được trang bị hệ thống dẫn đường mới GEM-T (Guidannce enhanced missile) Tên lửa ERINT sử dụng nhiên liệu rắn một tầng tấn công trực tiếp cơ động cao. Phạm vi tấn công các tên lửa đạn đạo gần 1.000 km. Kích thước nhỏ gọn đáng kể so với các "tiền nhiệm", ERINT có thể được bố trí tới 16 quả cho mỗi bệ phóng.

Patriot PAC-3 được dẫn đường bằng radar tìm, phát hiện, theo dõi mục tiêu và điều khiển tên lửa. Hệ thống radar này được đặt trên xe cơ động, có thể phát hiện mục tiêu bay ở khoảng cách lên đến 100 km trong điều kiện nhiễu mạnh và theo dõi trực tiếp 100 mục tiêu cùng lúc.

Nhược điểm của hệ thống này là một khi trạm chỉ huy bị phá hủy, thì toàn bộ hệ thống sẽ bị tê liệt hoàn toàn, mất hết khả năng tác chiến.

Theo Theo Sputnik
MỚI - NÓNG