Hà Nội sẽ làm chợ nổi- điểm nhấn đón du khách

0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội sẽ có chợ nổi phục vụ du khách trải nghiệm. Ảnh minh họa
Hà Nội sẽ có chợ nổi phục vụ du khách trải nghiệm. Ảnh minh họa
TPO - Các doanh nghiệp đề xuất xây dựng chợ nổi tại huyện Đan Phượng để tạo điểm nhấn du lịch cho Thủ đô. Được biết, trong Đề án phát triển du lịch Sở Du lịch Hà Nội cũng đã đề xuất 2 điểm chợ nổi làm điểm nhấn, phục vụ khách du lịch.

Chiều 17/4, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Đan Phượng tổ chức Tọa đàm liên kết hợp tác phát triển du lịch huyện Đan Phượng. Tham dự buổi tọa đàm có ông Trần Đức Hải, Bí thư huyện ủy Đan Phượng, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, các sở ngành liên quan và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lữ hành.

Hà Nội sẽ làm chợ nổi- điểm nhấn đón du khách ảnh 1

Quang cảnh buổi tọa đàm

Đóng góp phát triển du lịch cho huyện Đan Phượng, các doanh nghiệp đánh giá đây là huyện ngoại thành được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Cũng là nơi sản sinh ra nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo như chèo tàu, ca trù, thả diều… Đặc biệt Đan Phượng là nơi có hệ thống di tích lịch sử văn hóa dày đặc và đa dạng, ở các làng rất phù hợp với hình thức du lịch tâm linh và tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng truyền thống. Cộng đồng du lịch gắn liền với sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao được các chuyên gia đánh giá là lợi thế lớn của huyện.

Lãnh đạo Công ty lữ hành HanaTour đề xuất với lợi thế có 3 dòng sông: Hồng, Nhuệ, Đáy chảy qua, huyện có thể xem xét làm chợ nổi trên sông. Đây là hình thức du lịch chưa có ở miền Bắc, nếu tận dụng được thì đây là điểm nhấn vô cùng hấp dẫn. “Tour sẽ giúp du khách thăm quan trên sông, thăm các điểm di tích văn hóa xứ Đoài”, lãnh đạo doanh nghiệp nhận định.

Hà Nội sẽ làm chợ nổi- điểm nhấn đón du khách ảnh 2

Bí thư huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải ghi nhận, chia sẻ với những đóng góp tâm huyết của các doanh nghiệp lữ hành dành cho huyện

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong Đề án phát triển du lịch Hà Nội Sở đã trình thành phố có đề xuất 2 điểm chợ nổi. Khác với chợ dân sinh, buôn bán dân sinh ở miền Tây, chợ nổi Thủ đô hoàn toàn phục vụ khách du lịch. “Đây sẽ là sản phẩm hấp dẫn của du lịch Thủ đô trong thời gian tới”, bà Giang nói.

Ngoài ra, Đan Phượng cũng được hướng đến là nơi nghỉ ngơi cho khách du lịch. Ở đây không quá xa trung tâm, đi lại thuận tiện trên dưới 45 phút, không gian yên tĩnh, trong lành rất thuận tiện để cho khách nghỉ ngơi sau khi thăm quan ở trung tâm. Đây cũng là xu hướng du lịch ở nhiều nước trên thế giới.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, công suất của khách sạn trung tâm Hà Nội trước dịch COVID-19 là thiếu, các nhà đầu tư cũng không mặn mà với đầu tư khách sạn vì đây là ngành đầu tư lớn mà thu tiền lẻ. Do đó việc phát triển thêm hệ thống khách sạn là cần thiết trong khi Đan Phượng có nhiều lợi thế để phát triển khách sạn tiêu chuẩn 4 – 5 sao để nghỉ ngơi.

Cũng trong tối 17/4, huyện ủy, UBND huyện Đang Phượng tổ chức Lễ đón nhận Quyết định và công bố điểm du lịch xã Hạ Mỗ và điểm du lịch Khu sinh thái Đan Phượng.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định công nhận 2 điểm du lịch của thành phố. Trong đó, huyện Đan Phượng có hai điểm, gồm: điểm du lịch Hạ Mỗ (xã Hạ Mỗ), Khu sinh thái Đan Phượng (xã Đan Phượng).

Trong đó, điểm du lịch Hạ Mỗ là nơi có nhiều điểm văn hóa tâm linh như: Đền Văn Hiến thờ danh nhân Tô Hiến Thành; đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác, miếu Hàm Rồng. Ngoài ra, khu vực lân cận còn có các di tích có giá trị khác như: chùa Đôi Hồi (xã Song Phượng), chùa Tân Hải (xã Trung Châu), đình Đại Phùng (xã Đan Phượng)... Các di tích này tạo thành một hệ thống liên hoàn, thuận lợi cho việc xây dựng các tour du lịch tâm linh.

Khu sinh thái Đan Phượng, hay còn gọi là The Phoenix Garden, đang là điểm đến thu hút giới trẻ. Khu sinh thái này trồng các loại hoa nổi tiếng của các vùng, miền như: hoa tam giác mạch, hoa hướng dương, hoa dã quỳ, hoa cải... Bên cạnh những vườn hoa mênh mông, những tiểu cảnh và kiến trúc đẹp, ở Khu sinh thái Đan Phượng còn có một ngôi chùa mang tên Đại Từ Ân với diện tích 2ha, là điểm đến tâm linh dành cho du khách gần xa. Ngôi chùa mới được xây dựng từ năm 2010, nhưng có kiến trúc đẹp và điểm nhấn là tượng Phật A Di Đà cao 25m.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.