Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu, đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Hà Nội từ năm 1989 tới nay đã đạt hơn 13 tỷ USD. Riêng Aeon Mall hiện đã có 2 dự án đi vào hoạt động tại quận Long Biên và Hà Đông.
Về các dự án của Aeon Mall, ông Dũng cho biết, Thành ủy quan tâm, chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án Aeon Mall Hoàng Mai; đồng thời giao UBND thành phố, các sở, ngành phối hợp với quận Bắc Từ Liêm để sớm trả lời tập đoàn về dự án đầu tư tại quận này.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: PV |
Theo ông Dũng, Hà Nội quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa để thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài, nhất là đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki cho biết, Tập đoàn Aeon Mall hiện vận hành 6 dự án tại Việt Nam, trong đó có 2 dự án tại Hà Nội.
Trên cơ sở tin tưởng vào chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam cũng như thành phố Hà Nội, Tập đoàn Aeon Mall Nhật Bản nhất trí chủ trương triển khai đầu tư 16 dự án tại Việt Nam đến năm 2025, trong đó tại Hà Nội sẽ có thêm 3-4 dự án.
Cập nhật tình hình triển khai dự án Aeon Mall Hoàng Mai, Tổng Giám đốc Aeon Mall Việt Nam cho biết, dự án này đang ở những bước chuẩn bị đầu tư cuối cùng, hiện đã chuẩn bị đầy đủ về kinh phí, nhân lực, trang thiết bị để có thể khởi công ngay sau khi hoàn thành các thủ tục đầu tư.
Lãnh đạo Aeon Mall mong muốn thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc để dự án có thể khởi công trong quý III-2022; song song quan tâm hỗ trợ công tác khảo sát triển khai dự án Aeon Mall tại quận Bắc Từ Liêm.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định sẽ dành ưu tiên, quan tâm tạo điều kiện triển khai dự án Aeon Mall Hoàng Mai, tin tưởng sự quyết tâm hợp tác của hai bên sẽ giúp dự án có thể khởi công trong quý III năm nay.
Ông Dũng cũng cho biết, Hà Nội đang điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó định hướng phát triển các cực tăng trưởng mới.
Cụ thể, sẽ quy hoạch thành phố trực thuộc phía Bắc sông Hồng trên cơ sở 3 huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn với chức năng chính là thương mại, dịch vụ, đối ngoại và giao dịch quốc tế, tận dụng lợi thế sân bay quốc tế Nội Bài; thành phố trực thuộc phía Tây gồm khu vực Hòa Lạc và Xuân Mai với chức năng chính là khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo. Ngoài ra, còn quy hoạch xây dựng sân bay thứ hai ở khu vực phía nam Thủ đô.