Hàng nghìn nhà xưởng lậu ở Hà Nội: Tiền thu không phép vào túi ai?

TP - Tại Hà Nội, có hàng nghìn nhà xưởng lậu. Riêng ở quận Bắc Từ Liêm, hàng trăm nhà xưởng hoạt động nhộn nhịp nhiều năm khu vực ngoài bãi sông Hồng. Mỗi nhà xưởng thu về cả trăm triệu/năm nhưng số tiền này về đâu?

Khu vực ngoài đê sông Hồng thuộc phường Thượng Cát, Bắc Từ Liêm, từ nhiều năm nay tồn tại một khu nhà xưởng diện tích hàng chục nghìn mét vuông. Các công trình có kết cấu quây tôn, khung kèo sắt, mái lợp tôn... Ghi nhận tại đây, hàng trăm nhà xưởng đang hoạt động, một số khu vực ao hồ bị san lấp để tiếp tục mở rộng.

Hàng nghìn nhà xưởng lậu ở Hà Nội: Tiền thu không phép vào túi ai? ảnh 1

Nhà xưởng hoạt động nhộp nhịp tại khu vực ngoài đê thuộc phường Thượng Cát

Theo nhân viên môi giới, khu vực này có rất nhiều nhà xưởng thuộc quần thể khu chế biến lâm sản, nguyên liệu cho các đồ nội thất hoặc kho hàng. “Hiện đường đê, đường thông giữa các nhà xưởng, xe container đỗ cửa rất đẹp, giá khoảng 35.000 đồng/m2/tháng”, môi giới thông tin. Được biết, mỗi nhà xưởng ở đây diện tích nhỏ nhất khoảng 500m2, những xưởng lớn diện tích trên 1.000m2. Qua khảo sát, một số nhà xưởng tại đây đang sang nhượng với giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Ước tính, mỗi tháng khu vực nhà xưởng này thu về trên 5 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Năm, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Đông Ba cho biết, khu vực đang tồn tại rộng 30ha, khu ngoài đê hơn 11 ha. Những nhà xưởng này trước đây là vùng đào, đất nông nghiệp không ổn định, đất giao cho HTX để giao cho xã viên khai thác. Tuy nhiên là đất nông nghiệp không hiệu quả nên từ năm 1988 hình thành khu lâm sản.

“Hiện nay, không chỉ nhà xưởng mọc lên trái phép, một số ao hồ ngoài đê cũng đang bị lấn chiếm… HTX mang tiếng quản lý nhưng không được sử dụng đất vì đã bị lấn chiếm hết. Chúng tôi đã có đơn gửi cơ quan chức năng với 400 chữ ký, vậy nhưng từ năm 2013 trở đi nhà xưởng không bị xử lý mà còn mọc thêm”, chủ nhiệm HTX Đông Ba bức xúc.

Chỉ đạo rồi để đấy

Đối với khu đất ngoài bãi trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường quản lý đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn. UBND quận Bắc Từ Liêm cũng có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường xử lý vi phạm đất đai trên địa bàn quận.

Báo cáo của UBND phường Thượng Cát cho biết, qua rà soát hiện có 122 trường hợp sử dụng đất tại khu lâm sản trên diện tích là 11,2 ha với gần 320 công trình là nhà xưởng, lán, nhà tạm tôn. Tất cả các trường hợp này đều không có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Một số trường hợp ký hợp đồng giao khoán lợi nhuận với HTX Đông Ba; giấy tờ tự chuyển nhượng nhà xưởng của các cá nhân với nhau và giữa cá nhân với tổ chức... Tuy nhiên, hiện nay các trường hợp cá nhân, tổ chức đang sử dụng đất tại khu lâm sản chưa cung cấp đủ giấy tờ theo biên bản kiểm tra.

UBND phường Thượng Cát không thu phí gì từ các nhà xưởng này do đất không đủ điều kiện đóng nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.

Ông Vũ Tiến Bắc, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Cát cho biết, do yếu tố lịch sử để lại UBND phường hiện có nhiều khó khăn trong công tác quản lý khu bãi này. Trên thực tế các hộ gia đình đã tự chuyển mục đích sử dụng dẫn đến bất cập, hồ sơ, giấy tờ liên quan vẫn thể hiện là đất nông nghiệp... Chính quyền vẫn để cho HTX Đông Ba hợp đồng giao khoán đất với ý rõ ràng là đất nông nghiệp.

Từ thời điểm đó phường đã có nhiều báo cáo quận để xin cơ chế bởi rõ ràng đất nông nghiệp theo quy định của Luật đất đai thì phường, xã quản lý đất công ích nhưng đất này là đất nông nghiệp vùng đào nên vẫn chưa thanh lý được và để lỏng từ thời điểm đó đến bây giờ. “Về hồ sơ là đất nông nghiệp nhưng thực tế là đất phi nông nghiệp nên rất khó khăn cho phường quản lý”, ông Bắc chia sẻ.

Đối với việc xử lý vi phạm, lãnh đạo phường cho rằng: Việc xử lý vi phạm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, an sinh xã hội của các tổ chức, cá nhân đang hoạt động tại khu vực và của phường. Việc xử lý mất nhiều kinh phí và gây khó khăn cho việc quản lý, sử dụng sau xử lý.

Phường đã có nhiều văn bản yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, nghiêm cấm việc tự ý xây dựng, cơi nới công trình nhà xưởng sai quy định của pháp luật. Kiến nghị UBND quận xem xét chủ trương cho việc giữ nguyên trạng, xem xét việc đấu thầu cho thuê đất hàng năm đối với cá nhân đang sử dụng đất tại đây.

Đối với UBND quận Bắc Từ Liêm, dù báo Tiền Phong đã đặt lịch làm việc hơn 1 tháng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm từ lãnh đạo UBND quận.

Theo tìm hiểu, ngày 25/6/2019, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm đã có chỉ đạo UBND phường Thượng Cát tổ chức chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu vực vi phạm; yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân di chuyển toàn bộ tài sản, tháo dỡ các công trình trái phép; lập biên bản xử lý theo quy định đối với các trường hợp phát sinh mới vi phạm; phối hợp với Công an quận điều tra xử lý các vấn đề vi phạm.

Hiểu Minh

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.