Hà Nội: Nơi cấm, nơi mở hàng ăn uống tại chỗ liệu có an toàn?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Như đã thông tin, Hà Nội hiện có 8 quận nội thành được xác định ở cấp độ 3 về nguy cơ dịch COVID-19. Các quận này đã điều chỉnh một số hoạt động không thiết yếu, yêu cầu hàng quán ăn, uống chỉ bán mang về, hạn chế hoạt động tập trung đông người để phòng, chống dịch.

Các quận thực hiện chỉ bán hàng mang về gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Long Biên, Tây Hồ.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 27/12, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã yêu cầu hàng quán kinh doanh ăn, uống trên địa bàn chỉ bán mang về.

“Do trước đó các hàng quán đã từng triển khai bán mang về nên cũng không gặp khó khăn gì nhiều về việc chuyển đổi trạng thái. Nhưng các hộ kinh doanh cho biết gặp nhiều khó khăn vì vừa mới trở lại kinh doanh được một thời gian”, ông Hoàn nói, đồng thời cho biết, với một số trường hợp vi phạm, quận đã yêu cầu xử lý nghiêm.

Trong khi một số quận ở cấp độ 3 yêu cầu chỉ bán hàng mang về thì một số địa phương thuộc cấp độ 2, cấp độ 1 vẫn duy trì các hoạt động kinh doanh, buôn bán một cách bình thường. Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai các biện pháp hạn chế, bán hàng hoá mang về theo địa giới hành chính là không cần thiết, bởi người ở địa phương này có thể đi sang địa phương khác ăn uống tại chỗ.

Về vấn đề này, ông Đặng Khánh Hoà, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân – địa bàn vẫn ở cấp độ 2 về dịch COVID-19 cho biết, hiện nay đang triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, việc người từ địa bàn này sang địa bàn khác ăn uống là chuyện không tránh khỏi.

“Việc cần làm là chúng tôi tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại các địa điểm ăn uống được thực hiện nghiêm túc”, ông Hoà nói.

Ông Hoà cũng cho biết, hiện tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn quận cũng rất căng thẳng, đã ngấp nghé việc tăng cấp độ dịch. Quận đang triển khai quyết liệt nhiều biện pháp để phòng, chống dịch. Theo ông Hoà, trên địa bàn hiện có khoảng 600 trường hợp F0 điều trị tại nhà.

“Cũng có ý kiến lo ngại việc F0 điều trị tại nhà có thể gây nguy cơ lây nhiễm cho gia đình, hàng xóm. Tuy nhiên, bản thân F0 bây giờ cũng rất có ý thức để đảm bảo không lây nhiễm cho gia đình mình đầu tiên rồi đến hàng xóm, cộng đồng. Hiện nay, những F0 điều trị ở nhà đều là thể nhẹ, hầu như không có triệu chứng nên cũng không quá vất vả. Ở nhà cũng có đủ các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, dinh dưỡng, tâm lý ổn định hơn nên sức khoẻ tiến triển nhanh hơn”, ông Hoà nêu.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cũng cho rằng, các biện pháp hạn chế như chỉ bán hàng mang về, không ăn uống tại chỗ, hạn chế tụ tập đông người… sẽ giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm, dù vẫn có tình trạng người từ vùng này sang vùng khác sử dụng dịch vụ. Quan trọng nhất, theo vị này mọi người phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay… để đảm bảo an toàn.

Liên quan đến việc cung cấp thuốc cho các trường hợp F0, đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã triển khai cấp hơn 500 túi thuốc loại A (gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng) cho các trường hợp F0 ở tầng 1 (thể nhẹ, không có triệu chứng).

“Nhiều gia đình cũng đã chuẩn bị trước các loại thuốc này”, đại diện lãnh đạo quận cho biết.

Riêng về túi thuốc loại C, đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết được thành phố cấp cho 30 túi, hiện đã cấp phát 22 túi cho các trường hợp F0 đủ điều kiện cần thiết để sử dụng.

Về công tác tiêm chủng mũi 3 vắc xin COVID-19, ông Hoàn cho biết, trên cơ sở số vắc xin phân bổ về, quận đã triển khai tiêm cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng thêm các đối tượng dựa trên số vắc xin được phân bổ về.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 25/12, thành phố đã tiêm 151.665 mũi vắc xin phòng COVID-19 bổ sung và nhắc lại cho người dân trên 18 tuổi, trong đó, 112.573 mũi bổ sung và 39.092 mũi nhắc lại. Ngoài ra, đến nay, tỷ lệ tiêm cho người trên 18 tuổi với mũi 1 đã đạt 98,3% và mũi 2 đạt 94,7%.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.