Hà Nội: Kiến nghị xây nâng tầng trường học, lo học sinh ngại xuống sân chơi?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trước thực trạng khó khăn về trường lớp ở nội đô, Hà Nội tiếp tục kiến nghị về việc nâng thêm tầng trường học, giúp giãn sĩ số học sinh. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, học sinh học ở tầng cao sẽ ngại xuống sân vui chơi, tham gia các hoạt động.

Sĩ số cao, trường khó đạt chuẩn

Trưởng Phòng GD&ĐT quận Đống Đa bà Trịnh Đan Ly cho biết, trên địa bàn hiện có 88 trường học các cấp tuy nhiên đến nay mới chỉ có 42 trường công lập đạt chuẩn quốc gia.

Theo bà Ly, một số trường trước đó đã đạt chuẩn đến thời hạn phải công nhận lại nhưng chưa đủ điều kiện. “Một số trường học trước đây có diện tích nhỏ hẹp, không đáp ứng được tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia hiện hành”, bà Ly nói.

Tương tự, tại quận Hoàng Mai hiện mới chỉ có 41/59 trường công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Ngoài yếu tố cơ sở vật chất thiếu, chưa đủ điều kiện để được công nhận thì áp lực sĩ số là một vấn đề đối với địa phương này. Theo thống kê, trung bình mỗi năm quận Hoàng Mai tăng khoảng 4.000 học sinh trong khi trường, lớp chưa xây dựng, đáp ứng kịp nhu cầu.

Hà Nội: Kiến nghị xây nâng tầng trường học, lo học sinh ngại xuống sân chơi? ảnh 1

Diện tích một số sân trường nhỏ hẹp, học sinh không có không gian để tham gia hoạt động tập thể. Số phòng học không tăng nhiều dẫn đến sĩ số học sinh/ lớp cao. Thậm chí ở quận này nhiều trường tiểu học phải tổ chức dạy học luân phiên thứ 7 mới đáp ứng yêu cầu cho học sinh học ngày 2 buổi.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cũng thông tin, quận có 97 trường học các cấp hiện mới chỉ có 69 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỉ lệ 71,1%). Nguyên nhân nhiều trường học chưa đạt chuẩn là do sĩ số học sinh/lớp ở bậc tiểu học quá cao so với quy định của Bộ GD&ĐT (quy định 35 học sinh/lớp trên thực tế trung bình học sinh/lớp của quận này là 47- 48 em/lớp). Ngoài ra, còn có lý do nữa là thiếu giáo viên và một số trường xây cũ không đảm bảo tiêu chí theo quy định mới của Bộ GD&ĐT.

Nâng tầng có là giải pháp tối ưu?

Cũng theo bà Hằng, chuẩn bị cho năm học này, quận đã cho xây thêm hơn chục đơn nguyên ở các trường học, đưa vào sử dụng hàng trăm phòng học mới, nhờ đó giãn được một phần sĩ số. Thậm chí, phường Dương Nội có đến 16 trường học công lập các cấp, trong khi trong các văn bản mục tiêu là mỗi phường phấn đấu mỗi bậc học có ít nhất 1 trường công lập.

“Tốc độ tăng dân số cơ học rất nhanh. Cách đây 15 năm, quận Hà Đông chỉ có 65 trường, đến nay có 139 trường là sự nỗ lực rất lớn của quận. Nhờ đó, dù sĩ số học sinh/lớp còn cao nhưng các trường trên địa bàn không phải tổ chức dạy học luân phiên cuối tuần”, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng nói.

Hà Nội vừa có các đoàn khảo sát về xây dựng trường lớp bậc phổ thông. Tại các buổi kiểm tra, quận như Đống Đa, Hoàng Mai… đều kêu gặp khó vì dân số cơ học tăng nhanh, quá tải số lượng học sinh/lớp trong khi đất quy hoạch cho giáo dục thiếu nhiều.

UBND quận Đống Đa kiến nghị TP xem xét ưu tiên quỹ đất cho giáo dục để có điều kiện mở rộng và xây mới các trường công lập, tận dụng những quỹ đất còn trống chưa khai thác xây dựng trường học theo đúng quy định. Ngoài ra, quận cũng xin ý kiến về phương án nâng thêm tầng cho trường học nhằm đảm bảo nhu cầu học cho học sinh.

Hà Nội: Kiến nghị xây nâng tầng trường học, lo học sinh ngại xuống sân chơi? ảnh 2

Hà Nội vừa có các đoàn khảo sát về xây dựng trường lớp bậc phổ thông.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề xuất Bộ GD&ĐT phương án nâng thêm tầng, xây tầng hầm cho trường học ở các quận nội đô. Tuy nhiên, việc xây nâng tầng trường học vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó nhiều người cho rằng, TP cần di dời các xí nghiệp, nhà máy ra khỏi nội đô, ưu tiên quỹ đất xây trường học và cân nhắc phương án xây nâng tầng vì học sinh có ít ỏi thời gian ra chơi phải được xuống sân chơi, thư giãn sau các giờ học. Đó là lý do vì sao lâu nay xây dựng trường học thường ưu tiên sân chơi rộng rãi.

“Nếu xây cao tầng, các em sẽ bị bó buộc trong không gian hẹp của phòng học, hành lang. Học tập căng thẳng, áp lực, không có các hoạt động khác sẽ gia tăng tỉ lệ học sinh trầm cảm”, hiệu trưởng một trường THCS nói.

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Lệ Hằng cho rằng, đối với các quận nội đô, khó khăn về quỹ đất việc cho phép xây nâng tầng trường học là rất cần thiết. Trong đó, phòng học sẽ bố trí từ tầng 1 đến tầng 4, tầng 5-6 là phòng hiệu bộ và giáo viên. Tuy nhiên, học sinh rất cần có không gian để vui chơi, hoạt động ngoài giờ học, cần thiết phải có thang máy ở hai đầu đơn nguyên. Khi đó, có thể quy định học sinh từ tầng 3 trở xuống đi thang bộ, học sinh tầng 4 đi thang máy xuống sân vui chơi, hoạt động”, bà Hằng nói.

Trong các buổi kiểm tra, giám sát lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định, các quận phải ưu tiên giáo dục hàng đầu, trong đó rà soát kỹ, quy hoạch xây dựng trường học công lập. Đối với những dự án chậm triển khai lãnh đạo TP đề nghị thu hồi để xây dựng trường học.

MỚI - NÓNG