Luật Thủ đô phải “chờ” luật chuyên ngành
Sáng 3/11, phát biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Phó trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội khẳng định, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật luôn được Thành ủy Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Để có bước đột phá, tạo động lực mạnh mẽ cho Thủ đô phát triển, thành phố đã chủ động xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Kết quả bước đầu cho thấy, việc thí điểm không tổ chức HĐND phường ở các quận, thị xã Sơn Tây từ 1/7/2021 được thực hiện tốt, UBND các phường đã hoạt động ổn định. Tổ chức bộ máy của các quận, thị xã Sơn Tây đã gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt, hiệu quả hơn.
Theo ông Tuấn, Thành ủy Hà Nội đang chỉ đạo các cơ quan của thành phố chủ động thực hiện 3 nhiệm vụ, trong đó có việc tổng kết thi hành và xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo ông Tuấn, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua năm 2012, với kỳ vọng là một đạo luật quan trọng có tính chất đột phá, mở đường về mặt thể chế cho sự phát triển của Thủ đô. Tuy nhiên, qua 8 năm thi hành Luật Thủ đô đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế; hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thi hành Luật không cao, dẫn đến Luật Thủ đô chưa thực sự phát huy giá trị để đi vào cuộc sống.
Trong đó, Luật Thủ đô còn mang tính nguyên tắc, mang tính mục tiêu, định hướng mà chưa quy định cụ thể nội dung chính sách để áp dụng trực tiếp xử lý các vấn đề phát sinh trong từng lĩnh vực quản lý, phát triển Thủ đô mà chỉ dừng lại ở các quy định mang tính mục tiêu, định hướng và giao cơ quan chức năng ở Trung ương hoặc HĐND Thành phố cụ thể hóa. Thực tế đó làm cho việc triển khai thực hiện Luật Thủ đô gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Luật Thủ đô chưa có những quy định mang tính đột phá nhằm tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững. Tác động của việc thực hiện cơ chế, chính sách trong Luật Thủ đô đến sự phát triển, đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô còn rất khiêm tốn. Nhiều vấn đề trong phát triển Thủ đô chưa được Luật Thủ đô dự liệu để giải quyết bằng các quy định phù hợp. Không ít trường hợp, Luật Thủ đô phải “chờ” các quy định pháp luật chuyên ngành mới được cụ thể hóa và thực thi trên thực tế…
Xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thành phố Hà Nội đang nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập của Luật Thủ đô, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp với vị trí, vai trò của Thủ đô.
Trên cơ sở đó, thành phố đề xuất sửa đổi cơ bản Luật Thủ đô theo định hướng: Tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền thành phố theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường phân quyền, phân cấp cho thành phố nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của thành phố; có cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; lựa chọn, xây dựng những cơ chế, chính sách mới, có tính chất đặc thù, vượt trội về mặt thể chế…
Về lộ trình, thành ủy Hà Nội dự kiến sẽ chỉ đạo các cơ quan của thành phố khẩn trương chuẩn bị hồ sơ và đề nghị xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) để ngay sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, sẽ khẩn trương báo cáo Chính phủ xem xét kiến nghị Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 (dự kiến thông qua dự án Luật vào kỳ họp cuối năm 2023).