Hà Nội: Đẩy nhanh dự án trường đua ngựa, công viên giải trí để hút khách du lịch

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Thành phố Hà Nội yêu cầu chú trọng đưa vào hoạt động các dự án đầu tư có quy mô lớn như công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh); tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa (huyện Sóc Sơn); tổ hợp công viên vui chơi giải trí và phụ trợ (quận Tây Hồ)...để thu hút khách du lịch.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội hướng tới các mục tiêu: phấn đấu đến năm 2025, Thủ đô Hà Nội đón và phục vụ từ 35-39 triệu lượt khách du lịch, trong đó có từ 8-9 triệu lượt khách du lịch quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 151 nghìn tỷ đồng.

Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Dự kiến năm 2030, Thủ đô Hà Nội đón và phục vụ 48-49 triệu lượt khách du lịch trong đó có từ 13-14 triệu lượt khách du lịch quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng từ 270-300 nghìn tỷ đồng.

Theo UBND thành phố, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để đạt được mục tiêu này gồm thúc đẩy đầu tư cơ sở vật chất du lịch; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của Thành phố. Cụ thể như triển khai lập quy hoạch xây dựng các phân khu chức năng trong khu du lịch quốc gia Ba Vì - Suối Hai và các điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn thành phố, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật quy hoạch, Luật xây dựng, Nghị định số 72 của Chính phủ; tạo điều kiện thu hút đầu tư nhằm phát triển các vùng du lịch trọng điểm của thành phố.

Xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cho Chương trình đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và chương trình tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các di sản, di tích lịch sử văn hóa, các Nhà hát biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân và du khách theo quy định.

Bên cạnh đó, tập trung công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Hợp tác, xây dựng các sản phẩm truyền thông cụ thể để phối hợp với hệ thống thông tin của Trung ương và thành phố. Hoàn chỉnh xây dựng dữ liệu của các điểm đến dịch vụ du lịch để làm nguyên liệu ứng dụng công nghệ, số hóa các sản phẩm, ấn phẩm truyền thông.

Chú trọng nghiên cứu thị trường du lịch để có kế hoạch quảng bá quốc tế sâu rộng; trong đó tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá thành phố Hà Nội trên kênh truyền hình CNN quốc tế vào thời điểm phù hợp. Xây dựng các chương trình xúc tiến tái khởi động thị trường du lịch quốc tế, nghiên cứu mở Văn phòng đại diện ở các quốc gia là thị trường du lịch trọng điểm.

Cùng với đó, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tạo dựng liên kết bền vững trong hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch Thủ đô. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức du lịch cho các đối tượng tham gia hoạt động du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

UBND thành phố cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn thành phố; chú trọng đưa vào hoạt động các dự án đầu tư có quy mô lớn như công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh); tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa (huyện Sóc Sơn); tổ hợp công viên vui chơi giải trí và phụ trợ (quận Tây Hồ)...

Đẩy nhanh thủ tục đầu tư dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử khu di tích Hoàng thành Thăng Long; dự án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và tại làng dệt lụa Vạn Phúc; dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ ở Đường Lâm...

Thu hút đầu tư dự án theo mô hình khách sạn - trường học để tăng cường số lượng, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tăng trưởng lĩnh vực lưu trú du lịch trên địa bàn Thủ đô; dự án Trung tâm mua sắm dành cho khách du lịch (Outlet); dự án điểm trung chuyển khách phục vụ du lịch..., tổ chức triến khai hiệu quả các tuyến xe buýt kết nối từ trung tâm Thành phố tới các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn.

Thành phố cũng nghiên cứu xây dựng khu, điểm du lịch chất lượng cao để nhân rộng mô hình hoạt động, gồm các điểm đến sản phẩm du lịch như khu vực trung tâm chính trị Ba Đình (gồm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, công viên Bách Thảo) gắn với khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; khu vực phố cổ, phố cũ, hồ Hoàn Kiếm; khu vực hồ Tây và phụ cận; khu di tích Cổ Loa, múa rối nước Đào Thục; di tích đền Hai Bà Trưng; khu du lịch núi Sóc; chùa Hương, khu vực Ba Vì, làng cổ ở Đường Lâm, chùa Thầy, chùa Tây Phương.. làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, du lịch cộng đồng, du lịch kết nối giữa phố nghề, làng nghề truyền thống với các điểm tham quan du lịch khác...

Phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mới như du lịch y tế chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp cộng đồng, du lịch giáo dục, trải nghiệm dành cho học sinh. Tổ chức thí điểm phát triển kinh tế đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và các khu vực có đủ điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Triển khai dự án phát triển du lịch thông minh, phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông tại các điểm đến du lịch để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong quảng bá, xúc tiến và kinh doanh du lịch…

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.