Phó trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản:

'Hà Nội cần làm tất cả để thu hút đầu tư'

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo sáng 24/8 trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án lớn
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo sáng 24/8 trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án lớn
TP - Bà Kana Miyazaki, Phó trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội, cho rằng, thành phố Hà Nội cần làm tất cả những gì có thể để thu hút đầu tư. Các nhà đầu tư đang rất cần sự khích lệ, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng…

Cấp mới, tăng vốn 201 dự án FDI trong 6 tháng

Đại diện Sở KHĐT Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn thành phố thu hút được 201 dự án đầu tư cả cấp mới và tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 554,8 triệu USD. Trong đó, cấp mới là 151 dự án với vốn đăng ký là 414,8 triệu USD; 50 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với giá trị tăng thêm là 140 triệu USD. Về vốn đầu tư thực hiện trong 6 tháng ước tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong quý 2/2015, kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chiếm tỷ trọng vốn lớn nhất (72,1%); tiếp đến là lĩnh vực mua bán hàng hóa (15,8%), hoạt động tư vấn kỹ thuật, tư vấn đầu tư (4,2%). Singapore đứng đầu với vốn đăng ký chiếm tới 63%; Nhật Bản đứng thứ hai (chiếm 12,4%), Hàn Quốc đứng thứ ba (6,6%). Kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI đầu năm 2015 cũng khá ấn tượng với doanh thu ước đạt 5,13 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 5%, vận tải tăng 13%. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ. Khối doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao nhất trong 3 các thành phần kinh tế (chiếm 46,1%). Mặt hàng xuất khẩu chính là linh kiện điện tử, máy tính và thiết bị ngoại vi.

Nhiều rào cản cần sớm tháo gỡ

Bên cạnh những thành công đạt được, theo Sở KHĐT Hà Nội hiện nay những thách thức, khó khăn trong thu hút đầu tư cũng khá lớn. Các khu công nghiệp tập trung phần lớn đã được lấp đầy, một số khu mới đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng hoặc chưa đầu tư xây dựng nên chưa đáp ứng được nhu cầu thu hút thêm đầu tư. Quỹ đất hạn chế, trong khi đó giá thuê đất cao gây khó khăn trong thu hút các dự án sản xuất quy mô lớn. Thị trường bất động sản trầm lắng, hồi phục chậm. Ngoài ra, Hà Nội đang đối diện với thách thức cạnh tranh thu hút đầu tư FDI với các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh…Với vị trí giao thông thuận lợi, ngay giáp Hà Nội, được xếp loại cao trong những năm gần đây về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI với sự quan tâm, tạo điều kiện thu hút FDI thuận lợi mạnh mẽ từ chính quyền địa phương. Tại các địa phương này đang có nhiều lợi thế cạnh tranh hấp dẫn như giá thuê đất, mặt bằng sản xuất, nhân công rẻ, hạ tầng giao thông cải thiện.

Việc chậm trễ trong lập và phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành cũng đang là rào cản với nhà đầu tư. Việc tiếp cận thông tin về quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành còn hạn chế. Các quy hoạch này chưa chỉ ra được địa điểm cụ thể để thực hiện dự án, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến đất đai, đầu tư kinh doanh mới được sửa đổi ban hành có hiệu lực trong năm 2014-2015 đang còn nằm chờ nghị định, thông tư hướng dẫn cũng dẫn đến tâm lý chờ đợi, thăm dò của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, thời hạn giải quyết thủ tục hành chính liên thông đối với hồ sơ thẩm tra thường bị kéo dài chủ yếu do chờ các bộ ngành có văn bản thẩm tra (nhiều văn bản quá thời hạn luật định, trả lời không đúng, không rõ vấn đề cần trả lời…) đã làm giảm tính minh bạch, chậm thủ tục hành chính, gây lãng phí, phiền hà cho nhà đầu tư. “Chúng tôi kiến nghị Bộ KHĐT nghiên cứu, trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Trong đó tập trung làm rõ Danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 267 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện theo Phụ lục của Luật Đầu tư; Trình tự thủ tục giải quyết liên quan đến cấp Giấy chứng nhận đầu tư…”, lãnh đạo Sở KHĐT Hà Nội kiến nghị.

Hà Nội hiện là một trong những địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI. Năm 2015 và 2016, Hà Nội phấn đấu thu hút được từ 1,4- 1,5 tỷ USD; tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi; triển khai hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư FDI trên địa bàn thành phố…

MỚI - NÓNG