Từ năm 2018, các trường đại học có thể tự đưa ra điểm sàn:

Hạ điểm sàn đại học, các trường có tự 'bóp chết' mình?

Từ năm 2018, các trường đại học có thể tự đưa ra điểm sàn
Từ năm 2018, các trường đại học có thể tự đưa ra điểm sàn
TPO - “Không tuyển được thí sinh các trường sẽ chết và vì muốn tuyển được buộc nhiều trường phải tự hạ điểm sàn. Cái đó không sớm thì muộn các trường cũng chết nếu các trường không tập trung cho chất lượng giảng dạy ”- GS Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng chia sẻ quan điểm trước vấn đề từ năm 2018, các trường đại học có thể tự quyết định điểm sàn.

Trong cuộc họp báo công bố kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017 cuối tháng 6, Bà Nguyễn Kim Phụng (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT) khẳng định, từ năm 2018 các trường đại học sẽ tự quyết định điểm sàn.

Theo đó, từ năm 2018 các trường sẽ bổ sung một số điều kiện và tự đưa ra điểm sàn của trường mình.

Cũng theo bà Phụng, các điều kiện tự bổ sung của năm 2018 là các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh đầy đủ, hoàn chỉnh trong đó đặc biệt quy định về công khai về điều kiện đảm bảo chất lượng của trường, công khai về  tỉ lệ việc làm của sinh viên theo từng ngành đào tạo trong 2 năm gần đây, công khai về tỉ xuất đầu tư để đảm bảo sinh viên trong một năm học.

“Khi đã cung cấp cho thí sinh và xã hội các điều kiện để lựa chọn rồi thì bộ không cần quy định điểm sàn nữa mà trao quyền đó cho các trường và xã hội có thông tin để lựa chọn”- bà Phụng cho hay.

Phóng viên báo Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với GS Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng xung quanh vấn đề này.

Sẽ có cuộc “hạ hết cỡ” điểm sàn?

PV: Trước thông tin sẽ bỏ điểm sàn năm 2018? Theo GS đây có là thời điểm phù hợp không? Và việc bỏ điểm sàn có đáng lo ngại?

GS Trần Hữu Nghị: Quan điểm của tôi là không có gì phải đáng lo ngại. Năm 2018 thì hoàn toàn thực hiện được chứ dự kiến bỏ điểm sàn cho năm 2017 thì chưa có sự chuẩn bị.

Điểm sàn là để đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào. Nhưng nói cho cùng mỗi trường sẽ quyết định chất lượng của mỗi một trường. Bản thân các trường tự xác định ngưỡng đầu vào cũng như chất lượng đầu ra, không nên phụ thuộc vào một quy định nhất nhất.

Việc bỏ được điểm sàn tôi ủng hộ vì việc đó còn hướng cho các trường tự quyết định được đầu vào của mình chứ không phải Bộ quy định về một ngưỡng nhất định.

Ngoài ra, các trường đều có trách nhiệm với xã hội là đầu ra của anh phải đảm bảo về chất lượng để phù hợp với nhu cầu của xã hội.

"Các trường top trên, top khá nên nhận điểm sàn xét tuyển vào trường ở mức cao hơn chứ không không nên nhận từ 15,5 điểm. Nói cách khác, các trường lấy điểm chuẩn đến 25 điểm thì không nên nhận hồ sơ xét tuyển chỉ bằng điểm sàn Bộ GD&ĐT công bố.", GS Trần Hữu Nghị.

PV: Thưa GS, việc bỏ điểm sàn liệu có xảy ra tình trạng các trường đại học lấy điểm chuẩn thấp hay các trường ngoài công lập sẽ “hạ hết cỡ” điểm chuẩn để tuyển đủ sinh viên?

GS Trần Hữu Nghị: Thực ra, ai trong xã hội làm quản lý trong ngành giáo dục thì đều phải xác định là trách nhiệm với xã hội về sản phẩm của mình. Quan điểm của tôi xem cái đó là số 1. Nói cách khác chất lượng là sự sống còn của nhà trường. Sản phẩm mình làm cho xã hội phải là sản phẩm tốt nếu không thì sản phẩm con người sẽ phá hoại xã hội rất lớn không như các sản phẩm xã hội thông thường. Nếu không dùng được thì vật dụng có thể ném nhưng riêng ở giáo dục thì không.

Đầu vào là một trong những yếu tố để đào tạo có chất lượng còn việc đào tạo có chất lượng tiếp tục 4-5 năm ở trường có tiếp tục tốt hay không phụ thuộc vào thầy giáo ra sao, cơ sở vật chất như thế nào, hệ thống quản lý của trường ra làm sao.

Nhà trường sẽ tạo điều kiện một cách tối đa mọi thứ để học sinh học trong môi trường ấy, thu nhận được kiến thức thực tiễn để sau này sinh viên ra trường có thể khẳng định mình là ai, làm được gì cho xã hội. Vấn đề này không hoàn toàn phụ thuộc hết đầu vào ra sao.

Hạ điểm sàn đại học, các trường có tự 'bóp chết' mình? ảnh 1 GS Trần Hữu Nghị

Hạ điểm sàn là tự mình giết mình?

PV: Theo GS, việc bỏ điểm sàn sẽ khiến các trường tuyển ồ ạt không?

GS Trần Hữu Nghị: Theo như mọi người nghĩ, nếu không tuyển được sinh viên các trường đại học sẽ chết và buộc các trường phải tự điểm sàn, hạ điểm chuẩn? Nếu làm thế, không sớm thì muộn các trường cũng chết. Quan điểm của tôi nếu không có chất lượng thì trường chắc chắn sớm muộn cũng chết, anh có thể được một năm nhưng sau vẫn chết. Có nghĩa tự thân anh giết anh. Chết sớm hay chết muộn rồi cũng sẽ chết thôi.

Không có cách nào khác ngoài việc các trường tự khẳng định mình. Không phải trường nào bằng mọi giá để tuyển đủ chỉ tiêu cũng hạ thấp điểm chuẩn.

Có thể, có trường hạ điểm chuẩn xuống thấp ở mức nào thì họ phải có sự chuẩn bị bên trong. Để lấy được học sinh vào học được và ra trường làm được việc thì buộc người ta phải suy nghĩ và có giải pháp trong những năm họ dạy trong nhà trường.

PV: Với việc bỏ điểm sàn mà Bộ GD&ĐT dự kiến tiến hành, theo GS các trường đại học ngoài công lập sẽ “dễ thở” hơn?

GS Trần Hữu Nghị: Việc điểm sàn năm nay là 15,5 tăng 0,5 điểm so với năm trước thì tuyển sinh cũng sẽ xấp xỉ như các năm trước. Chúng ta không có gì đáng quan tâm quá điều ấy. Điều quan tâm nhất là hiện nay theo tôi các trường ở top trên nhận điểm sàn xét tuyển hồ sơ vào trường chỉ nhận bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT có thể gây không ổn định cho các em học sinh cũng như tuyển sinh của chúng ta.

Theo tôi, các trường top trên, top khá thì nhận điểm sàn xét tuyển vào trường ở mức cao hơn chứ không không nên nhận từ 15,5 điểm. Nói cách khác, các trường lấy điểm chuẩn đến 25 điểm thì không nên nhận hồ sơ xét tuyển chỉ bằng điểm sàn Bộ công bố.

PV: GS có lo ngại việc nhiều trường top giữa năm ngoái điểm chuẩn vào trường chỉ bằng hoặc hơn điểm sàn mà Bộ GD&ĐT công bố sẽ “vợt” hết thí sinh của các trường top dưới không, thưa GS?

GS Trần Hữu Nghị: Chúng ta trong hệ thống thì biết mình ở đâu chứ và cần tạo điều kiện cho hệ thống hoạt động tốt, mỗi trường tự xác định lấy điểm chuẩn để phù hợp với trường của mình. Anh đánh bắt xa bờ nhưng anh đánh hết cá gần bờ, thì anh có đầy cá nhưng không hẳn toàn cá tốt. Đánh bắt xa bờ thì cá to hơn nhiều!

PV: Theo GS, năm nay, nhiều tỉnh có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trên 99% và nhiều câu hỏi đặt ra là năm 2018 có nên duy trì thi THPT? Ý kiến của GS về vấn đề này thế nào?

GS Trần Hữu Nghị: Kì thi THPT là việc cần thiết, là giai đoạn các em cần có chứng chỉ vào đời. Cho nên việc tốt nghiệp phông và có bằng qua kiểm tra đánh giá là việc cần thiết. Hơn nữa, năm nay năm giao tổ chức thi THPT cho các Sở GD&ĐT, như vậy sẽ lợi được nhiều thứ như tiết kiệm cho nhà nước, đỡ phiền toái, vất vả cho học sinh như các năm trước.

Xin cảm ơn GS!

MỚI - NÓNG