Phan Đăng Nhật Minh bất ngờ khi được các bạn học sinh tại trường Lương Thế Vinh tổ chức sinh nhật cho mình
“Thần đồng” của quê hương Quảng Trị
Ở Quảng Trị, nhiều người dân biết đến Phan Đăng Nhật Minh như một “thần đồng” bởi chàng trai tuổi “teen” này có khả năng đọc từ lúc mới 18 tháng tuổi và mới đây lại xuất sắc phá vỡ nhiều kỷ lục rồi trở thành quán quân đầu tiên của cuộc thi Chinh Phục - Vietnam’s Brainiest Kid 2014 (một chương trình được xem là “Đường lên đỉnh Olympia” dành cho học sinh nhỏ tuổi). Dù vậy, chia sẻ với khán thính giả theo dõi cuộc thi “Chinh Phục” trên kênh VTV6, Nhật Minh cho biết em khá rụt rè, không giỏi giao tiếp, thậm chí từng bị bắt nạt khi ở trường. Hiện Nhật Minh học lớp 9 tại trường THCS thị trấn Hải Lăng.
Sự đối lập về khả năng giao tiếp và học tập, hơn nữa lại học giỏi toàn diện nhiều môn đã để lại nhiều ấn tượng cho thầy Văn Như Cương, Trưởng ban cố vấn của Chinh phục. Chính vì vậy, thầy Cương mong muốn được gặp “thần đồng” quê hương Quảng Trị để giúp Minh định hướng mục tiêu và phương pháp học tập trong giai đoạn bước ngoặt sắp tới.
Theo lời mời của thầy Văn Như Cương, Phan Đăng Nhật Minh đã ra Hà Nội và được trải nghiệm một ngày học tập tại trường THCS Lương Thế Vinh. Phương pháp dạy và học cũng như môi trường giáo dục khác biệt đã khiến “thần đồng” Quảng Trị ngỡ ngàng: “Em thực sự bất ngờ trước sự nhiệt tình, năng động của các bạn học sinh Hà Nội và đặc biệt là phương pháp giảng dạy rất mở, thiên về định hướng, ví dụ trực quan sinh động giúp kích thích sự ham học hỏi và truyền cảm hứng cho học sinh, mà các thầy cô giáo của trường đã đưa vào bài giảng của mình”, Nhật Minh nói.
Phan Đăng Nhật Minh gặp thầy Văn Như Cương trong bệnh viện
Cuộc gặp trong bệnh viện
Theo kế hoạch, cuộc gặp sẽ diễn ra tại trường THCS Lương Thế Vinh, Hà Nội. Tuy nhiên, khi Nhật Minh và gia đình ra đến Hà Nội thì thầy Văn Như Cương gặp vấn đề về sức khỏe, buộc phải vào điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. Dù sức khỏe rất yếu nhưng thầy Cương vẫn cố gắng trò chuyện với Minh, qua đó gửi gắm những tâm sự về giáo dục tài năng tới gia đình em.
Theo thầy Cương, “thần đồng” không có nghĩa là sẽ thành công và thành đạt, chỉ tập trung vào việc học hỏi kiến thức qua sách vở là chưa đủ. Để phát triển toàn diện, dù là ai cũng nên dành nhiều thời gian giúp đỡ gia đình, tham gia các hoạt động xã hội và trau dồi các kỹ năng mềm cho bản thân. “Lao động thực tế sẽ làm cho con người năng động hơn, có lao động thì mới sáng tạo được” - thầy Cương nói.
Theo thầy Cương, “thần đồng” không có nghĩa là sẽ thành công và thành đạt, chỉ tập trung vào việc học hỏi kiến thức qua sách vở là chưa đủ. Để phát triển toàn diện, dù là ai cũng nên dành nhiều thời gian giúp đỡ gia đình, tham gia các hoạt động xã hội và trau dồi các kỹ năng mềm cho bản thân. “Lao động thực tế sẽ làm cho con người năng động hơn, có lao động thì mới sáng tạo được” - thầy Cương nói.
Đối với việc học tập, năng lực tự học và nghiên cứu chuyên sâu mới là yếu tố quyết định đến tính hiệu quả. Xác định được điều này, mỗi học sinh cũng như chính các “thần đồng” có định hướng tốt hơn về phương pháp học tập của cá nhân cũng như việc lựa chọn một môi trường giáo dục phù hợp sau này. Khác với phần lớn những nhà giáo dục, giáo viên muốn định hướng về môn học/sở trường rõ ràng cho Minh, thầy Cương cho rằng hiện tại Nhật Minh chưa cần thiết phải xác định định hướng chuyên về toán hay bất kỳ một ngành học nào và chỉ cần học đều các môn cho đến hết THPT.
“Dù Nhật Minh đang giỏi toàn diện nhưng đây mới chỉ về kiến thức, em cần dành nhiều thời gian cho cuộc sống gia đình, bạn bè. Từ đó, thầy tin rằng chính bản thân Minh sẽ tự xác định được tương lai của mình”, thầy Cương nói.