Sở dĩ sự kiện được lấy tên “Bản giao hưởng của số Pi” là bởi số Pi (π) được phát hiện từ thời Cổ đại, cho tới nay số π, cũng giống như bản thân toán học, vẫn là một đối tượng chứa đựng đầy những bất ngờ và bí ẩn. Những cái hay, cái đẹp, cái bí ẩn, cái vô lý, cái có lý… hòa quyện trong nhau tạo nên sự hấp dẫn của toán học và dường như cũng tạo nên bản giao hưởng diệu kỳ.
"Bản giao hưởng số π" là một bản giao hưởng được đánh số bất quy tắc bên cạnh các bản giao hưởng số 1, 2, 3... thông thường, ngụ ý một sự phá cách có trong nội tại của toán học.
Nằm trong chuỗi Ngày hội Toán học mở, bản giao hưởng bất quy tắc 2016 tiếp tục là một dịp để các bạn học sinh có thể chạm kĩ hơn vào toán học thông qua những trải nghiệm khác lạ và thú vị.
Ngày hội Toán học mở “Bản giao hưởng số π” sẽ đem lại nhiều trải nghiệm toán học thú vị và gần gũi: từ việc dùng mây tre gỗ chế tác các hình dạng của tự nhiên đã được mô hình hóa bằng toán học, đến việc cắt gấp giấy tạo ra trò chơi toán, giải toán bằng các câu đố vui, đọc sách toán… tại các khu trò chơi, các xưởng chế tác, thực nghiệm hay triển lãm tương tác.
“Bản giao hưởng của số Pi” với sự tham gia của nhiều GS nổi tiếng
Ngoài các hoạt động trải nghiệm toán, mời các bạn quan tâm hãy cất tiếng nói góp ý với làng toán trong buổi Hội thảo “Mấy góc nhìn về giáo dục toán học ở Việt Nam” và Tọa đàm “Thi đấu Toán học, ích gì?”. Các khách mời gồm GS. Hà Huy Khoái, ông Nguyễn Khắc Minh, TS. Trần Nam Dũng, TS. Chu Cẩm Thơ, PGS. Nguyễn Vũ Lương và PGS. Lê Anh Vinh.
Đặc biệt, chuỗi bài giảng đại chúng với sự góp mặt của các diễn giả là các GS toán học nổi tiếng người Việt đang làm việc tại Mỹ: GS Ngô Bảo Châu (Đại học Chicago), GS Vũ Hà Văn (Đại học Yale) và bài giảng của nhà ngôn ngữ học Trịnh Hữu Tuệ (Đại học Wisconsin–Milwaukee) hứa hẹn nhiều điểm thú vị về toán học, mối liên hệ giữa ngôn ngữ, xã hội và toán học.