Grab, Uber gây ùn tắc giao thông

Grab Taxi tại Hà Nội.
Grab Taxi tại Hà Nội.
TP - Tại Hà Nội cũng như các thành phố lớn, những dịch vụ đặt xe qua hệ thống mạng đang phát triển rầm rộ. Hình thức tương tự taxi nhưng những dạng xe không có biển báo như Grab hay Uber khiến cơ quan quản lý không thể kiểm soát. Điều này càng gia tăng tình trạng ùn tắc nội đô.

Hoạt động khi chưa được cấp phép

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã bác bỏ Đề án thí điểm Ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách của Cty TNHH Uber Việt Nam theo hợp đồng vận tải hành khách của công ty này. Lý do Bộ GTVT đưa ra là Cty TNHH Uber Việt Nam xây dựng và đề xuất Bộ GTVT phê duyệt đề án thí điểm dựa trên ủy quyền của Cty Uber không đảm bảo ràng buộc trách nhiệm của Cty Uber trong việc thực hiện đề án.

Về lý thuyết, Uber chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, tuy nhiên thực tế, Uber vẫn đang hoạt động bình thường tại các thành phố lớn. Ghi nhận ngày 13, 14/2, các chuyến Uber ô tô, xe máy vẫn đón trả khách bình thường. Thậm chí còn có các gói khuyến mại giảm giá 30 nghìn cho 5 chuyến xe để kích cầu. Anh Phùng Chí Dũng (nhân viên văn phòng tại Láng Hạ) cho biết, anh thường xuyên đi làm bằng Uber thay vì taxi truyền thống. Ngoài lý do giá rẻ hơn, Uber còn không có phù hiệu, đi như “xe tư”. “Có thể đi vào các phố cấm taxi giờ cao điểm nên rất tiện lợi”, anh Dũng nói. Đối với những tài xế đã từng đăng ký địa chỉ email với Uber vẫn tiếp tục nhận được email nội dung mời gọi để tham gia đội quân lái xe. Như vậy có thể khẳng định Uber vẫn hoạt động bất chấp được cấp phép hay không.

Đại diện taxi Thanh Nga cho biết, không hãng taxi truyền thống nào chạy được với giá cước 6.000 đồng/km như Grab, Uber, dù có áp dụng công nghệ, do các hãng trên không mất chi phí bảo hiểm, thương hiệu, bộ đàm… Bên cạnh đó, tất cả xe chạy Uber hiện nay đều không dán phù hiệu xe hợp đồng nên xe tư nhân có thể dễ dàng trà trộn để chạy taxi, khiến việc quản lý hết sức phức tạp, môi trường kinh doanh trở nên bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh.

Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm, thời gian gần đây, đơn vị đã phát hiện, xử lý nhiều xe hợp đồng, ô tô cá nhân (không có giấy phép kinh doanh vận tải và chưa được cấp phù hiệu) sử dụng phần mềm của Uber để kinh doanh vận tải hành khách (chở khách có thu tiền) không đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Theo Thanh tra GTVT, đã phát hiện 22 trường hợp với tổng mức phạt hơn 100 triệu đồng. Đa phần các xe đều bị xử lý khi dừng đỗ sai quy định rồi cơ quan chức năng mới phát hiện ra là xe Uber. “Tại các tuyến phố cấm taxi nhưng Uber và Grab vẫn hoạt động tự do gây ùn tắc”, đại diện Thanh tra Sở GTVT cho hay.

Chưa có phương án quản lý

Đối với đề án GrabCar đã được Bộ GTVT phê duyệt tại 3 tỉnh thành là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Quảng Ninh, GrabCar được xếp vào xe hợp đồng nhưng thực chất lại hoạt động như taxi. Theo ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội), Bộ GTVT cho phép thí điểm xe chạy Grab tuy nhiên không khống chế số lượng, cứ đăng ký, nộp đủ giấy tờ là được chạy. Thời gian gần đây, đã có hơn 4.000 xe dưới 9 chỗ đăng ký dạng xe hợp đồng, thực chất lại chạy như taxi. “Người ta cứ nộp hồ sơ chúng tôi vẫn phải cấp phù hiệu hợp đồng, tuy nhiên, lượng xe này đang gây áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông Thủ đô, là một phần nguyên nhân gây ùn tắc”, ông Long nói.

Theo Đề án được UBND thành phố phê duyệt, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 25.000 taxi. Nhưng thời điểm này, số liệu thống kê cho thấy, đã có trên 26.000 xe kinh doanh dịch vụ taxi. Trong đó, 19.265 chiếc có phù hiệu “Taxi Hà Nội”; 4.012 xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động như taxi, trên 3.000 taxi ngoại tỉnh thường xuyên hoạt động trên địa bàn thành phố. Theo một nguồn tin, đến hết năm 2016, trên địa bàn Hà Nội đã có gần 2.000 ô tô chạy hợp đồng Grab và số xe tương tự chạy Uber.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho biết, hiệp hội đồng tình việc Bộ GTVT không đồng ý với đề án Uber hiện nay. Theo ông Liên, một bộ phận người dân ủng hộ loại hình Uber, Grab vì sự thuận tiện, nhanh chóng, giá rẻ. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, do không chịu quản lý về giá nên Uber, Grab tăng giá hết sức tuỳ tiện. Ngay như trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua, bất kể giờ nào các hãng này cũng tăng giá ít nhất gấp đôi. Về mặt quản lý nhà nước, vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhà nước quản lý giá. Uber, Grab không đăng ký giá theo quy định của Bộ Tài chính vì thế nhà nước cũng bị thất thu về thuế. “Khi họ tăng giá cũng không thể xử phạt”, ông Liên nhận định.

Có thể nói, Hà Nội đang “vỡ trận” vì mật độ giao thông, ùn tắc diễn ra ở hầu hết mọi thời điểm trong ngày. Trong Luật Thủ đô có quy định giới hạn số lượng taxi. Tuy nhiên, Bộ GTVT lại cho thí điểm Grab tại Hà Nội nên số lượng taxi chạy dưới danh nghĩa hợp đồng càng được dịp bùng phát. Ông Liên nêu ví dụ, để giảm tải giao thông, cơ quan chức năng cấm taxi đi trên cầu Chương Dương giờ cao điểm từ phía Bắc về phía Nam. Hãng taxi Thành Công nằm ngay sát chân cầu Chương Dương nhưng giờ cao điểm vẫn phải vòng qua cầu Vĩnh Tuy để đi về phía trung tâm thành phố. Trong khi đó, Uber, Grab cũng kinh doanh lại được tự do chạy. Điều này khiến giao thông giờ cao điểm trên cầu lại tiếp tục lâm vào cảnh ùn tắc nhưng lực lượng chức năng không thể xử lý.

Sở GTVT Hà Nội vừa công bố dự thảo lấy ý kiến người dân cùng các bộ ngành, tổ chức liên quan. Theo đó, dịch vụ chia sẻ xe như Uber và Grab sẽ được quản lý tương tự như taxi truyền thống. Trong quá trình hoạt động, xe Uber và GrabTaxi cũng phải tuân thủ theo quyết định phân luồng tổ chức giao thông như taxi. 

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".