Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII:Kích hoạt tài nguyên tiềm năng của từng vùng sinh thái

Đóng gói xuất khẩu gạo tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Cảnh Kỳ
Đóng gói xuất khẩu gạo tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Cảnh Kỳ
TP - Những đánh giá chung về 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước, 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, và 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng đã cho thấy chúng ta đi rất chậm, kinh tế đến nay vẫn còn ở mức thấp.

Thực tế GDP bình quân đầu người của Việt Nam nếu so sánh trong khu vực chỉ mới hơn Lào và Campuchia... Nếu so với Nhật Bản (chỉ 15 năm sau chiến tranh nguyên tử, kinh tế Nhật, đã hồi phục) và Hàn Quốc (sau chiến tranh Nam-Bắc, kinh tế đã phát triển sau khoảng 25 năm đứng vào hàng các quốc gia phát triển) thì Việt Nam, sau 45 năm chấm dứt chiến tranh vẫn chưa đạt mức phát triển kinh tế như chúng ta mong muốn. Toàn dân đều mong muốn đến Đại hội XIII của Đảng, có một quyết tâm mới của toàn Đảng toàn dân, với cách làm mới hơn để chúng ta có thể đạt các mục tiêu cụ thể đã đề ra. Dĩ nhiên không thể đạt được, nếu cứ  như cách làm cũ với nhiều điểm yếu như dự thảo Văn kiện Đại hội đã chỉ ra.

Những nội dung và giải pháp sẽ thực hiện từ 2021 đến 2025 được nêu ra trong Văn kiện Đại hội nhằm đạt các định hướng về phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, mà trong đó đặc biệt quan tâm  đến mục tiêu cơ bản nhất là xóa nghèo cho đại bộ phận người dân (nông dân) và từ đó sẽ làm tăng GDP quốc gia. Nhưng rất tiếc là cách tiếp cận để đạt được các mục tiêu này dường như lặp lại cách làm cũ, rất khó đạt được.

 “Nếu chúng ta thực hiện như kiểu cũ từ trước đến giờ, mạnh do nông dân tự lo, mạnh doanh nghiệp tự bơi, mỗi ban ngành của địa phương cấp tỉnh cũng tự quy hoạch riêng lẻ, mỗi bộ ngành của trung ương cũng tự quy hoạch riêng lẻ cuối cùng không ráp vào nhau được, và vì vậy cái nghèo thì cứ tiếp tục nghèo mãi”. 

GS.TS Võ Tòng Xuân

Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII:Kích hoạt tài nguyên tiềm năng của từng vùng sinh thái ảnh 1
Quyết tâm đổi mới tư duy hơn nữa của Ðảng

Chúng ta có NQ 120/NQ-CP của Chính phủ. Đây là một sách lược lịch sử, đánh dấu quyết tâm đổi mới hơn nữa tư duy của Đảng, không còn chỉ tập trung đầu tư cho cây lúa (an ninh lương thực) mà phải chuyển sang làm giàu bằng những sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao hơn lúa gạo. Vì vậy cách nâng cao GDP của ta bắt đầu từ Đại hội XIII trở đi không thể lấy sản lượng tấn lương thực để qui ra GDP như trước đây mà phải lấy VNĐ hoặc USD mới đúng. Do đó, tại mỗi địa phương, chúng ta nên tích hợp nhiều chỉ tiêu trong một chương trình, thay vì thực hiện riêng lẻ từng chỉ tiêu.

Thí dụ, trong các Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ đột phá, thay vì “xây dựng hoàn thành và thực hiện nghiêm quy hoạch của từng tỉnh giai đoạn 2021 - 2030,” rồi đến “thu hút đầu tư và đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo” và “nâng cao nhận thức và kiến thức của người dân trong việc ứng dụng công nghệ thông tin…Xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2025, ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao”, “đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế các ngành, lĩnh vực… Xác định nông nghiệp theo chuỗi giá trị sạch, an toàn, thông minh là nền tảng, phát triển công nghiệp chế biến là khâu đột phá, phát triển du lịch xanh,…” thì tại mỗi tiểu vùng sinh thái chúng ta có thể sắp xếp lại làm 2 chương trình phát triển nông lâm thủy sản:

Một là, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó đào tạo cho cán bộ có trình độ, kỹ năng chuyên môn ngành đủ để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII; Nông dân có kiến thức và kỹ năng nông nghiệp 4.0 (NN4.0) để sản xuất cây trồng, vật nuôi trong chuỗi cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến ra sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; Doanh nhân có kiến thức quản lý, điều hành khu công nghiệp gắn liền với vùng nông nghiệp nguyên liệu, kiến thức thị trường và xúc tiến thương mại.

Hai là, quy hoạch và phát triển nông lâm thủy sản, gồm các bước:

Bước 1: Định hướng phát triển các tài nguyên của từng tiểu vùng sinh thái, xác định cây, con gì thuộc vùng nào… để nông dân, doanh nghiệp biết và chấm dứt tình trạng nuôi trồng tự phát của mỗi nông hộ cá thể theo từng mảnh nhỏ, vì như thế sẽ không bao giờ làm giàu được; Bước 2: Mời, tìm doanh nghiệp có tâm và tầm với một sản phẩm trong danh sách quy hoạch và có khả năng mở thị trường của sản phẩm đó, về ngay vùng quy hoạch, bàn bạc với nông dân lập thành HTX nông nghiệp/chuỗi cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Từ đó nông dân của HTX được đào tạo kỹ năng sản xuất nguyên liệu theo NN4.0;
Bước 3: Có chính sách ưu đãi doanh nghiệp vay vốn xây dựng cụm công nghiệp chế biến sản phẩm từ nguyên liệu do chuỗi cung ứng của nông dân cung cấp. Đồng thời, chính quyền đầu tư xây dựng hạ tầng cho từng vùng sản xuất đã được quy hoạch. Khi làm được điều đó, sản phẩm làm ra sẽ có chất lượng ngon thơm tự nhiên và an toàn vệ sinh thực phẩm, và có xuất xứ rõ ràng. Doanh nghiệp sẽ cung cấp cho khách hàng với giá cao và không bị trả về. Doanh nghiệp có lời, nông dân có thu nhập ổn định, GDP bình quân của nông dân và doanh nghiệp sẽ tăng, do đó GDP của vùng cũng sẽ tăng, góp vào GDP của cả nước.

Cách thực hiện tích hợp như thế sẽ được áp dụng cho các tài nguyên tiềm năng của từng vùng sinh thái của nước ta. Mỗi tiềm năng sẽ thành hiện thực đưa đến mục tiêu cuối cùng là mọi người có khả năng đóng góp vào GDP của địa phương mình.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.