Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, dự thảo Văn kiện lần này có nhiều điểm mới. Nếu như trước đây mới chỉ ghi xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, lần này, dự thảo bổ sung cả “hệ thống chính trị” bao gồm Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội. Dự thảo Văn kiện tiếp tục nhấn mạnh đoàn kết là sức mạnh. Dân chủ trong Đảng phải là nòng cốt, dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo, là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Về các đột phá chiến lược, ông Mẫn cho biết, từ Đại hội XI, XII Đảng ta đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược: thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng. Lần này, dự thảo Văn kiện tiếp tục khẳng định: thể chế là hành lang pháp lý; nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quyết định trong quá trình phát triển và gắn với đó là hạ tầng, kết cấu hạ tầng.
Góp ý dự thảo Văn kiện, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam đang làm gia công phụ kiện cho nước ngoài và đang bị lệ thuộc. Do đó, cần phải có giải pháp để khắc phục vấn đề trên. Về công tác xây dựng Đảng, ông Sở cho rằng cần thực hiện nghiêm quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. “Phải loại trừ bằng được “lợi ích nhóm”, kiên quyết loại bỏ những người không đủ phẩm chất khỏi tổ chức Đảng”, ông Sở nói.
Đối với việc phát triển nguồn nhân lực, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, dự thảo nói nhiều đến chất lượng nguồn nhân lực, nhưng không thấy tiêu chí cho từng con người thế nào? Theo ông Dong, sự phát triển của nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số… đang đặt ra nhiều yêu cầu mới, bởi nếu “công dân số” thì có nghĩa là từ bà bán rau, ông bán nước cũng phải sử dụng được các tiện ích số.