“Dân hưởng thụ” có ý nghĩa rất lớn
(?) Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng vừa được công bố để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Việc này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Việc lấy ý kiến của toàn dân vào dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa rất lớn. Thông qua góp ý của nhân dân để tiếp tục hoàn thiện các văn kiện, đảm bảo chủ trương, đường lối, chính sách phù hợp với ý nguyện của nhân dân và thực tiễn. Đồng thời là bước chuẩn bị để người dân hiểu và nắm bắt rõ hơn các định hướng lớn mà Đảng đề ra. Sau khi dự thảo Văn kiện được Đại hội XIII của Đảng thông qua sẽ đi vào cuộc sống thuận lợi, nhanh chóng.
(?) Vậy làm sao để việc góp ý và tiếp thu được thực chất, thưa ông?
Thực chất hay không là do các cơ quan, đơn vị tổ chức lấy ý kiến. Nếu tổ chức chu đáo, thiết thực, thì sẽ có những ý kiến đóng góp sâu sắc. Còn nếu làm qua loa cho xong sẽ vướng vào hình thức. Vì thế, khi tổ chức các hội thảo lấy ý kiến, đơn vị tổ chức nên mời những người trực tiếp tham gia xây dựng dự thảo văn kiện đến để trao đổi, làm rõ hơn các ý kiến đại biểu nêu ra.
(?) Qua nghiên cứu dự thảo văn kiện, ông tâm đắc điểm gì nhất?
Tôi quan tâm đến các nội dung về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do dân, vì dân và phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương phép nước. Trong dự thảo văn kiện, những nội dung trên đã thể hiện sâu sắc tư tưởng, quan điểm của Đảng và Nhà nước. Ví dụ như vấn đề phân công, phân cấp; tiếp tục xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực để quyền lực nhà nước thực sự là của dân, do dân; không bị tha hóa; không bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực… Hay vấn đề tăng cường kỷ cương phép nước, thì một mặt mở rộng dân chủ trực tiếp cho người dân nhưng mặt khác cũng phải chú trọng kỷ cương, kỷ luật, không để lợi dụng các hình thức dân chủ vi phạm quyền con người, quyền công dân.
“Phân cấp, phân quyền đã được nhấn mạnh rất rõ trong Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phân cấp, phân quyền thực hiện trong thời gian qua chưa tốt, thể hiện một việc vẫn do 2-3 cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Điều này dẫn đến việc “cha chung không ai khóc” và khi xảy ra hậu quả không biết quy trách nhiệm cho ai”.
GS. TS Trần Ngọc Đường
Đặc biệt, dự thảo văn kiện lần này có điểm rất mới: “Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Các văn kiện trước đây, chủ yếu đề cập là dân chủ đại diện thông qua các Quốc hội, HĐND các cấp, nhưng lần này chú trọng “dân chủ trực tiếp” và “hưởng thụ”. Thành quả xây dựng đất nước là thành quả của người dân. Người dân được hưởng thụ về dân chủ thì sẽ được hưởng thụ về vật chất, hưởng thụ các thành quả do mình xây dựng. Tất nhiên, trước đây không ghi ý “hưởng thụ” vào không có nghĩa là dân không được hưởng thụ các thành quả, mà vẫn được hưởng đầy đủ. Tuy nhiên, khi ghi vào trong văn kiện thì sẽ làm sâu sắc hơn và đề cao trách nhiệm của nhà nước, của người dân.
Tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”
(?) Thực tế, việc phân cấp, phân quyền hiện nay ra sao và giải pháp nào để việc này được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, thưa ông?
Phân cấp, phân quyền đã được nhấn mạnh rất rõ trong Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phân cấp, phân quyền thực hiện trong thời gian qua chưa tốt, thể hiện một việc vẫn do 2-3 cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Điều này dẫn đến việc “cha chung không ai khóc” và khi xảy ra hậu quả không biết quy trách nhiệm cho ai.
Do vậy, lần này dự thảo văn kiện đã nhấn mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương; khắc phục triệt để chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, đồng thời phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều đó thì phải triển khai cụ thể hóa trong việc xây dựng pháp luật. Điều quan trọng nữa, khi cấp trên phân quyền cho cấp dưới rồi thì phải kèm theo điều kiện cả về nguồn lực, nếu không sẽ khó phát huy được hiệu quả.
(?) Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực. Vậy theo ông cần có giải pháp gì trong vấn đề này?
Trong dự thảo văn kiện cũng đã nhấn mạnh về cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, trước hết phải tăng cường kiểm soát quyền lực từ các thiết chế bên ngoài, như của các tổ chức chính trị xã hội, MTTQ, báo chí, người dân. Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong, tức là các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp kiểm soát lẫn nhau. Rồi trong mỗi nhánh quyền lực cũng phải thiết lập cơ chế thanh tra, kiểm tra để tự kiểm soát.
Xin cảm ơn ông!