Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII: Cải cách thủ tục gắn với cải cách con người

Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN
TP - Cải cách thủ tục phải gắn với cải cách con người và tiếp tục hiện đại hóa nền hành chính, nâng cấp và tăng cường dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính...        

Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đánh giá chính xác, khách quan kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII cũng như xác định được những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2020 - 2025 phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mục nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm ngắn gọn, cô đọng, đúng mực, đúng thực chất, theo đúng thái độ của Đảng trong đổi mới: nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật; trong đó, có những đánh giá khá khách quan về cải cách hành chính (CCHC).

Tuy nhiên, thành tựu của cả một Chương trình Tổng thể CCHC chưa được dành dung lượng tương xứng trong văn kiện để từ đó chỉ ra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới. Văn kiện cần khẳng định, trong những năm qua, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm công tác CCHC và đã có sự chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội được đề ra, đồng thời, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.

Sáu nội dung trọng tâm của Chương trình Tổng thể CCHC giai đoạn 2010-2020 đã được triển khai quyết liệt. Kết quả chỉ số CCHC tiếp tục có tính tổng hợp, đa chiều, gắn kết việc đánh giá bên trong nội bộ của các cơ quan hành chính nhà nước với đánh giá khách quan từ phía người dân, tổ chức và các đối tượng khác chịu tác động của cải CCHC; gắn kết giữa đánh giá kết quả CCHC hàng năm với đánh giá tác động của cải cách lên sự hài lòng của người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Văn kiện cũng cần nhấn mạnh, trong các nội dung cải cách, cải cách thủ tục hành chính được đánh giá là đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng cải cách tổ chức bộ máy vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Bộ máy hành chính vẫn cồng kềnh, không theo kịp yêu cầu của giai đoạn mới. Chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp chưa rõ ràng, chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Đâu đó vẫn còn hiện tượng co được chỗ nọ lại phình chỗ kia.

Cải cách thủ tục hành chính dù đạt nhiều thành tựu, thì chất lượng văn bản quy phạm pháp luật trên một số lĩnh vực còn hạn chế, nhiều địa phương còn: Vướng mắc trong kết nối liên thông phần mềm tại Trung tâm Hành chính công và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả với các phần mềm chuyên ngành, các lĩnh vực; Chưa đầu tư đúng mức cho ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập các hệ thống thông tin nền tảng để phát triển Chính phủ điện tử; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mới chỉ ở bước đầu, kết quả đạt được còn hạn chế (ít người sử dụng, số hồ sơ được gửi/nhận trực tuyến không cao), nhiều nơi chủ yếu mới chỉ sử dụng trong việc gửi, nhận văn bản, hỗ trợ công tác văn thư, mà chưa thực hiện chức năng quản lý, chỉ đạo, điều hành qua mạng...

Các giải pháp trong thời gian tới, Văn kiện cũng cần đề xuất 3 giải pháp quan trọng:

Một là, tập trung vào việc thúc đẩy thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, số hóa các giấy tờ gắn với nâng cao trình độ, khả năng tiếp cận của nhân dân với các dịch vụ công trực tuyến và gắn với vấn đề bảo đảm an ninh mạng.

Hai là, khảo sát để đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, tránh để các chỉ số đánh giá còn khác nhau giữa Parindex, Papi và Sipas.

Ba là, phối hợp chặt chẽ giữa cải cách thủ tục hành chính với các nội dung cải cách khác. Cải cách thủ tục phải gắn với cải cách con người và tiếp tục hiện đại hóa nền hành chính, nâng cấp và tăng cường dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính...

MỚI - NÓNG