Tại Hội nghị, các ý kiến đều chung nhận định, Dự thảo Văn kiện được chuẩn bị công phu và có tính khái quát cao; các vấn đề nêu trong báo cáo bám sát thực tiễn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại...Nghiên cứu sinh Hoàng Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia cho rằng, phải xây dựng một “xã hội học tập” công bằng và bình đẳng, giảm thiểu khoảng cách phát triển văn hóa. Anh Đức góp ý, đổi mới giáo dục đào tạo (GDĐT) cần phải được đặt trong bối cảnh thế giới đang biến đổi phức tạp.
“Chúng ta đã và đang bàn nhiều đến thuật ngữ “Cách mạng Công nghiệp 4.0”, nhưng đa phần nội hàm được bàn bạc mới chỉ dừng lại ở mức 3.0 (cuộc cách mạng về Internet), trong khi cuộc cách mạng thực sự về dữ liệu lại chưa nhận được sự quan tâm thích đáng. Thực tiễn cho thấy, những ngành, nghề mới đang được ra đời với tốc độ còn nhanh hơn việc mất đi những ngành nghề cũ. Cả tỷ lệ sinh viên thất nghiệp và tỷ lệ thiếu hụt lao động có tay nghề phù hợp đều cao, chứng tỏ sự yếu kém trong công tác dự báo và quản trị nguồn lực. Bởi vậy, dữ liệu, dữ liệu lớn cần có được vị thế nhất định trong công tác hoạch định, đổi mới GDĐT”, anh Đức phân tích.
Cũng theo anh Đức, đổi mới giáo dục, phát triển văn hoá, xã hội phải gắn liền với thực trạng già hoá dân số; đảm bảo tính khái quát, bao trùm và sát sao với các đặc trưng về tâm, sinh lý của thế hệ thanh thiếu niên sinh ra trong thời đại số sau năm 2000. Hiện nay, việc xây dựng các chương trình giáo dục, đào tạo dành cho thế hệ này không những chưa thực sự bao hàm được các sự khác biệt về bối cảnh văn hoá, xã hội, mà còn chưa bao hàm cả các khác biệt về tâm, sinh lý thế hệ. “Hướng tới tầm nhìn 2045, các bạn trẻ sinh từ những năm 2000 đến 2020 sẽ là lực lượng lao động, sáng tạo chủ chốt của đất nước. Bởi vậy, việc cụ thể hoá trong Văn kiện sự quan tâm đặc biệt tới đối tượng này là một ý tưởng rất đáng được cân nhắc”, anh Đức nói thêm.
Tiến sĩ Lê Duy Anh, Khoa Kinh tế Phát triển, Đại học Kinh tế- ĐHQG Hà Nội cho rằng, sinh viên và các trí thức trẻ Việt Nam luôn quan tâm đến lĩnh vực GDĐT và khoa học công nghệ (KHCN). “Chúng tôi luôn trăn trở vì đây là lĩnh vực đặc biệt quan trọng quyết định sự thịnh vượng của đất nước trong giai đoạn phát triển tới, đặc biệt khi cuộc cách mạng 4.0 đang gõ cửa từng quốc gia và từng lĩnh vực”, anh Anh nói. Theo anh Anh, cần có tầm nhìn và mục tiêu đến 2045 phải xây dựng được ít nhất 1- 3 đại học nghiên cứu hàng đầu có chất lượng và uy tín quốc tế. “Việc có ít nhất một trường đại học Việt Nam vào được top 100 thế giới sẽ có ý nghĩa vô cùng lớn đối với nền giáo dục đại học, khoa học công nghệ nước nhà. Nó sẽ là một ngọn đuốc khẳng định trí tuệ Việt Nam, chứng minh tính đúng đắn của chiến lược phát triển hệ thống giáo dục, là hình mẫu cho các trường đại học khác phát triển, và thu hút những nhân lực tốt nhất của Việt Nam và thế giới về sống và làm việc tại Việt Nam”, anh Anh nói.
Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững
Tiến sĩ Nguyễn Linh Đan, Đại học Tokyo, Nhật Bản cho rằng, năng lượng là xương sống của mọi nền kinh tế. Khí thải do đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu, vì vậy ngành năng lượng đóng vai trò quan trọng trong khả năng bền vững của phát triển, cũng như đảm bảo an ninh quốc gia. “Tôi đồng ý với những bài học kinh nghiệm được ghi trong báo cáo chính trị, rằng cần bảo đảm mối tương quan hợp lý giữa tăng trưởng và ổn định trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết tốt các mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững; và phải thực hiện tốt công tác dự báo, bảo đảm đánh giá và nhận định kịp thời tình hình thế giới và khu vực. Tôi nghĩ cần phải cân nhắc lại các dự báo kinh tế và năng lượng, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp, đưa ra những giải pháp đồng bộ và kịp thời, đảm bảo nền kinh tế nước ta thực sự phát triển theo hướng bền vững”, chị Linh Đan nói.
Anh Nguyễn Hoàng Long, Nghiên cứu sinh ĐH Karolinska, Thụy Điển cho rằng, cần trang bị, đề cập đến khả năng tự phục hồi của cộng đồng. Qua các nguy cơ vấn đề an ninh, an toàn, các tình huống hiểm nghèo như thảm họa thiên nhiên, khi người dân được trang bị đầy đủ thì có khả năng tự phục hồi hay không? Theo anh Long, thời gian tới, biến đổi khí hậu nhiều, người dân, đặc biệt là người trẻ, cần có những kiến thức, thực hành để chuẩn bị tốt hơn để ứng phó. Anh Long cũng cho rằng, cần chú ý đến chuyển giao tri thức, chuyển giao KHCN, nhưng phải bền vững, cân nhắc các vấn đề bảo vệ môi trường trước các vấn đề về kinh tế. “Một trong yếu tố thúc đẩy tăng trưởng bền vững là thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đưa ra các giải pháp bền vững, góp phần tăng trưởng nhanh chóng, đảm bảo an sinh xã hội”, anh Long nói thêm.
Thực tiễn cho thấy, những ngành, nghề mới đang được ra đời với tốc độ còn nhanh hơn việc mất đi những ngành nghề cũ. Cả tỷ lệ sinh viên thất nghiệp và tỷ lệ thiếu hụt lao động có tay nghề phù hợp đều cao, chứng tỏ sự yếu kém trong công tác dự báo và quản trị nguồn lực. Bởi vậy, dữ liệu, dữ liệu lớn cần có được vị thế nhất định trong công tác hoạch định, đổi mới GDĐT”, Nghiên cứu sinh Hoàng Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia nói.