Gợi mở nhiều chính sách để mở rộng bao phủ BHXH tự nguyện

Toàn cảnh Toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Để Bảo hiểm Xã hội Tự nguyện thêm sức hút”, do Báo Tiền Phong phối hợp cùng BHXH Việt Nam thực hiện. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Toàn cảnh Toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Để Bảo hiểm Xã hội Tự nguyện thêm sức hút”, do Báo Tiền Phong phối hợp cùng BHXH Việt Nam thực hiện. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Nhằm giúp độc giả hiểu hơn về loại hình Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tự nguyện, sáng 13/11, Báo Tiền Phong phối hợp cùng BHXH Việt Nam tổ chức buổi Toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Để Bảo hiểm Xã hội Tự nguyện thêm sức hút”. Tại tạo đàm, các khách mời đã cùng thảo luận và đưa ra những gợi mở chính sách để tăng bao phủ BHXH tự nguyện tới khu vực lao động phi chính thức.

Chính sách lo cho khi về già

Chính sách BHXH tự nguyện được xây dựng để người lao động khu vực phi chính thức tham gia tiết kiệm tài chính khi còn sức khoẻ nhằm tự lo cho mình có lương hưu khi về già, đảm bảo mỗi người chủ động về tài chính trong cuộc sống, không phải trông cậy vào nguồn tài chính hỗ trợ từ con cháu. Cùng với đó, để đạt được mục tiêu BHXH toàn dân thì không thể bỏ qua vai trò của BHXH tự nguyện.

Tại Nghị quyết số 28 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH cũng xác định, BHXH cơ bản gồm bảo BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Trong đó, BHXH tự nguyện (với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác) dựa trên đóng góp của người lao động không có quan hệ lao động; có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động đối với việc tự bảo đảm an sinh cho bản thân.

Tuy vậy, sau 12 năm triển khai, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất khiêm tốn và chưa đạt kỳ vọng đề ra. Sau khi Nghị quyết 28 được ban hành, nhiều giải pháp quan trọng đã được ban hành, cùng nỗ lực tuyên truyền, vận động của BHXH Việt Nam, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện riêng năm 2019 đã bằng 10 năm trước đó cộng lại.  Kết quả đó cho thấy nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện của người dân rất lớn, dư địa còn rất nhiều và nhận thức về của nhiều người về cách thức tiết kiệm lo cho tương lai khi về già đã thay đổi.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, dù chính sách BHXH tự nguyện rất ưu việt, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nên độ bao phủ chưa đạt kỳ vọng khi đề ra. Theo ông Huân, có 3 yếu tố khiến chính sách BHXH tự nguyện chưa đạt mục tiêu: hệ thống quy định pháp luật chưa đầy đủ; các chính sách so với yêu cầu người dân chưa đáp ứng; ý thức lo cho tương lai của người lao động còn nhiều hạn chế.

Do đó, theo vị chuyên gia trên, đề BHXH tự nguyện thu hút hơn với người lao động khu vực phi chính thức, sự hỗ trợ của nhà nước với người tham gia loại hình bảo hiểm này cần tăng thêm, do mức hiện nay còn khiêm tốn (ngân sách hỗ trợ từ 10-30% mức đóng theo từng đối tượng). Cùng với đó, các chế độ, chính sách với BHXH tự nguyện cần dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động, đặc biệt phải hướng tới tạo lập tài khoản cá nhân tham gia BHXH. Qua tài khoản cá nhân, người tham gia sẽ nắm rõ được số tiền họ đóng vào, khả năng sinh lời. Cuối cùng là tuyên truyền chính sách cần hiệu quả hơn.

Đang nghiên cứu sửa đổi

Về phần cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện cơ quan quản lý đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi một số chính sách để tăng sức hấp dẫn cho BHXH tự nguyện. Cụ thể, nghiên cứu sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia để được nhận lương hưu, theo hướng giảm số năm tối thiểu từ 20 năm hiện nay xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm. Cùng với đó, có thể thực hiện các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người tham gia có nhiều cơ hội lựa chọn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

Gợi mở nhiều chính sách để mở rộng bao phủ BHXH tự nguyện ảnh 1

Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Minh Toản (thứ 2 từ trái sang) tặng hoa cảm ơn các khách mời dự Toạ đàm. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Ngoài ra, theo ông Nam, Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu đề xuất tăng mức hỗ trợ từ ngân sách với tiền đóng của người tham gia; trong giai đoạn 2021 – 2022 báo cáo Chính phủ để trình lên Quốc hội để sửa đổi, bổ sung Luật BHXH. “Khi mà chính sách gần với nhu cầu của người dân thì mới có thể phát huy được triệt để tính ưu việt của chính sách, thêm nhiều người tham gia”, ông Nam nói.

Ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Quản lý Thu, Sổ - Thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, BHXH Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước đề xuất với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi chính sách BHXH tự nguyện. Cụ thể như, giảm số năm tham gia để đạt điều kiện hưởng lương hưu, tuổi để được hưởng lương hưu, tăng mức hỗ trợ đóng từ ngân sách.

Đặc biệt, là cơ quan thực hiện, theo ông Hùng, BHXH Việt Nam sẽ đa dạng các hình thức tuyên truyền, triển khai chính sách, như tăng cường phối hợp với các bộ ngành, địa phương, các tổ chức, cơ quan, đơn vị…; cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHXH tự nguyện dễ dàng và minh bạch hơn…

Ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban quản lý Thu, Sổ - Thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết: Năm 2008 (năm đầu triển khai BHXH tự nguyện) mới có 6.110 người tham gia, đến tháng 9/2020 tăng lên 844.700 người tham gia, vượt mục tiêu Nghị quyết 28 đề ra (tới năm 2021, người tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi). Có được kết quả này, từ năm 2019 đến nay, BHXH Việt Nam đã áp dụng nhiều giải pháp đột phá trong tổ chức thực hiện, đặc biệt trong liên kết với các đơn vị, tổ chức ở địa phương để tuyên truyền tới từng người dân. Cùng với đó, từ năm 2018, ngân sách hỗ trợ thêm 1 phần tiền đóng cho người tham gia đã tăng thêm sức hút (ngân sách hỗ trợ 30% tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, 20% với hộ cận nghèo và 10% với tất cả đối tượng khác).

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.