Góc khuất biển Cửa Lò

Góc khuất biển Cửa Lò
TP - Tiếng rao tan vào đêm vắng, bóng ngư phủ trên chiếc thuyền câu mỏng manh và ánh đèn chao nghiêng, những người dân làng chài đang ngày đêm đánh vật với cuộc sinh tồn. Bên sự náo nhiệt, ồn ào, hoa lệ của một thị xã biển, Cửa Lò (Nghệ An) còn có nhiều góc khuất.

Chúng tôi bước lên chiếc thuyền thúng, thuyền xoay tròn mấy vòng rồi cắt sóng lướt nhẹ về phía hòn Ngư. Từ đất liền nhìn ra khơi, hàng trăm ánh đèn câu mực sáng nhấp nháy trên biển. Đi câu “mực nhảy” là một thú vui của khách du lịch khi đến nghỉ ở Cửa Lò.

Anh Võ Thanh Xuân vẫn mải miết tay chèo, cách bờ khoảng 1 km,  chủ thuyền cho buông neo. “Đêm nay trăng sáng, có lẽ mực ít. Nhưng khách thuê thuyền đâu chỉ để câu mực, phần nhiều họ thích ra khơi thưởng ngoạn cảnh biển Cửa Lò về đêm và ngắm trời mây sóng nước” - Anh Xuân nói. 

Thuyền chở được 3 người, lênh đênh trên biển gần 1 giờ đồng hồ, khách trả mỗi người 30.000 đồng. Chỉ cần mỗi ngày được một “tour” câu “mực nhảy”, ngư dân có thể đủ tiền chu cấp cho sinh hoạt của cả gia đình.

Chiếc đèn măng-xông hắt ánh sáng soi rõ một vùng nước trong veo. Đêm tháng 5, trời không một gợn mây, gió Tây Nam nhẹ thoảng làm thuyền nan lắc lư, bồng bềnh. Chốc chốc, một con mực nhỏ bằng ngón tay nổi trên mặt nước, anh Xuân dùng chiếc vợt chao nhẹ, con mực nằm gọn trong lưới.

Đặt nó lên chụp đèn làm bằng tôn, khoảng 5 phút sau mực đã bị nướng chín vàng, thơm lừng. Anh Xuân lôi ra từ túi áo chai rượu nếp mời khách: “Thử  chút đặc sản Cửa Lò này xem, ngon hơn mực cất trong tủ lạnh. “Mực nhảy” ngọt và bùi hơn các loại hải sản khác rất nhiều”.

Trong màn đêm, khuôn mặt sạm đen của người ngư phủ càng trở nên gầy guộc và khắc khổ. Quanh năm lam lũ phơi mình trên mặt biển, hết hè lại sang thu, chẳng mấy khi anh có mặt ở nhà.

Ngoài nghề chèo thuyền đi câu “mực nhảy”, anh Võ Thanh Xuân còn làm thêm nghề đánh cá, thả lưới bắt tôm bột. Người ngư dân chăm chỉ này chỉ chịu ngồi yên khi biển động, sóng cồn. Chị vợ ở nhà tranh thủ ba tháng hè vác rá đến nhà hàng, quán gió nơi cửa biển nhặt vỏ ghẹ về phơi khô, bán cho các đại lý.

Vỏ ghẹ xay thành bột làm thức ăn cho gia súc, mỗi cân chị bán được 300 đồng, có hôm từ sáng đến chiều vợ anh Xuân nhặt được 2 tạ vỏ ghẹ, phơi đầy sân.

“Đi câu mực nhưng không có áo phao và phao cứu sinh dành cho khách, anh không sợ xảy ra sự cố khi gặp giông tố hay sao?” - Tôi hỏi. “Tôi đã mua sẵn mấy chiếc áo phao, nhưng khách ngại mặc vì nó cồng kềnh, mất tự nhiên” - Anh Xuân đáp.

Hè năm ngoái có đoàn nữ sinh 15 người từ Hà Nội đến Nghệ An thuê thuyền đi câu mực, tất cả lên 3 chiếc thuyền thúng. Anh Xuân dẫn đầu tốp thuyền chèo ra khoảng giữa hòn Ngư và cảng Cửa Lò, đi được nửa chặng đường, xảy ra cãi vã trong nhóm khách. Trong một phút bức xúc, cô trưởng nhóm nhảy xuống biển tự vẫn.

Đang mải mê điều khiển con thuyền, anh Võ Thanh Xuân nghe tiếng kêu cứu thất thanh. Ngoảnh lại, vị khách đã chìm nghỉm. Chẳng kịp suy nghĩ gì, anh Xuân phóng mình xuống nước, kéo nữ sinh này lên thuyền.

Nhìn vị khách mặt tái nhợt vì uống no nước biển, còn chủ thuyền chắp tay vái lia lịa: “Tôi xin cô, cô làm thế nếu có mệnh hệ gì thì không những thiệt thân cô mà còn khổ lây cho tôi và gia đình tôi đấy. Lần sau đừng dại dột như vậy nữa”.

Chẳng còn tâm trí để đưa khách đi câu “mực nhảy”, anh Xuân quay mũi cho thuyền vào bờ. Nghe chuyện anh Xuân cứu một thành viên trong đoàn thoát chết, vị trưởng đoàn rối rít cảm ơn và thưởng anh 50.000 đồng. “Từ hôm đó, mỗi lần đưa khách đi câu là mỗi lần tôi nơm nớp lo. Nhất là mấy ông say rượu nửa đêm cứ đòi nhảy xuống biển bơi cho mát!” - Anh Xuân nói.

“Quất đê, ai tẩm quất nào?!”

Ngồi chờ trăng ở nhà Rùa gần quảng trường Bình Minh, tôi chợt giật mình bởi tiếng rao của trẻ tẩm quất. Tiếng rao nhỏ dần, nhỏ dần, rồi lạc vào tiếng sóng.

“Tẩm quất không chú?”. Bàn tay ấm mềm đặt lên vai tôi. Thân thiện và rất tự nhiên, đứa bé bắt đầu nắn bóp mặc cho khách có đồng ý hay không. “Nếu chú không giác hơi, cháu chỉ lấy 10.000 đồng thôi. Chú làm một “bài” nhé?” - Nó năn nỉ.

Kiểu tiếp thị vừa đấm vừa xoa vừa mời chào của cậu bé tẩm quất xã Nghi Thu khiến khách không khó từ chối. Hoàng Khắc Tình đang học lớp 10, cả hai anh em nhà cậu đều đi làm nghề tẩm quất cho khách trên bãi biển. Đồ nghề gồm một manh chiếu, một bộ giác hơi bằng thủy tinh, lọ dầu gió Trường Sơn.

Buổi sáng, Tình đến lớp. Chiều ở nhà học bài. 7 giờ tối, em xách “đồ nghề” ra bãi cát, thấy khách nam ngồi hóng gió trước biển, Tình sà đến, “khuyến mại” bằng mấy cái đấm nhẹ vào lưng và ra sức thuyết phục khách tẩm quất cho kỳ được.

Nhiều hôm gặp ông khách khó tính, em bị đuổi thẳng cổ. Hai năm rồi thị xã có lệnh cấm tẩm quất, cấm bán hàng rong, đội quân tẩm quất không dám hoạt động công khai, vừa mời chào khách vừa phải canh chừng đội qui tắc đô thị.

Trong số hàng chục trẻ tẩm quất ở Cửa Lò, nhiều cậu nghiện chát và chơi games, bao nhiêu tiền kiếm được đem nướng vào quán Internet. Riêng Hoàng Khắc Tình lại khác.

Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, cha làm thợ nề, hàng ngày mẹ của cậu phải đội mưa đội nắng đi chụp ảnh dịch vụ ở bãi biển kiếm từng đồng để nuôi con, Tình thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của cha mẹ nên hễ tích góp được đồng nào, em dành dụm đóng học phí, tiền trường hằng năm.

Thức đến 11 giờ đêm, bình quân mỗi buổi em chỉ được vài chục ngàn đồng, bữa nào “hên” thì dăm bảy chục ngàn. Những ngày mưa gió, chẳng ai ra bờ biển, Tình lại ở nhà học bài.

“Bọn bay có đi chỗ khác mà kiếm ăn không!” - Tiếng bà chủ quán the thé đuổi đám trẻ tẩm quất đang mời khách đấm lưng ngay trước quán gió nhà mình.

Đám trẻ lảng ra. “Chủ quán họ không cho ngồi vào ghế của khách, vì ghế họ đặt trên bãi biển để khách thuê, thu tiền - Tình kể - Thỉnh thoảng có người gọi bọn em lên khách sạn, bảo vệ không cho vào, đành chịu. Nhiều ông khách đấm lưng xong, hỏi: “Có gái không, “phím” cho tao một em, tao cho tiền!”. Bọn em chỉ làm nghề đấm lưng, đâu biết gì!”.

Góc khuất biển Cửa Lò ảnh 1
Bà Nghĩa đang cào Nghêu

Lặn lội thân cò

Bà Nguyễn Thị Nghĩa trú tại phường Thu Thủy. Gia đình bà có 7 người con, 6 trai, 1 gái. “5 đứa đã lập gia đình ra ở riêng từ lâu, nhưng các con tôi nghèo khổ lắm. Chồng tôi lại luôn đau yếu, chẳng làm được việc gì nặng nhọc”-  Bà Nghĩa kể. Hơn 70 tuổi, nhưng hàng ngày bà Nghĩa vẫn phải vác cào đi cào nghêu.

Tôi gặp bà trong buổi chiều Cửa Lò, mưa như trút. Khi mọi người lánh vào khách sạn trú mưa, bà vẫn lặng lẽ bên bờ biển. Bà lom khom đi giật lùi dưới trời mưa nhặt từng con nghêu. Hễ nghe tiếng “rắc”, bà lại cúi xuống, dùng bàn tay chai sạn moi từng thớ đất tìm kiếm.

“Hồi trẻ, tôi từng làm đủ nghề để kiếm sống” - Giọng bà Nghĩa lẫn trong tiếng sóng - “Biển động thì làm nón. Mỗi ngày tôi khâu được hai chiếc nón, vừa đủ ăn. Lúc biển lặng thì lên thuyền đi đánh cá, hoặc kéo lưới rẻo. Còn bây giờ là cào nghêu”.

Sáng sớm, bà lót dạ bằng gói mì tôm rồi vác cào ra phía bờ biển. Trưa về chưa kịp ngả lưng, lại đi cào nghêu. Chiếc cào nghêu đối với gia đình bà là chiếc cần câu cơm, nghỉ một ngày là thiếu ăn một ngày, bỏ nghề là mất kế sinh nhai.

Vì thế, quanh năm, hầu như ngày nào bà cũng có mặt trên biển, trừ khi biển động sóng dữ. Bữa may mắn, bà bán giỏ nghêu, kiếm được vài ba chục ngàn, nhưng có hôm chỉ được dăm ngàn đồng. Chỉ cần kiếm được 1 kg gạo, đôi vợ chồng già có thể sống túc tắc qua ngày.

Góc khuất biển Cửa Lò ảnh 2
Đặc sản Cửa Lò

Cửa Lò đang bước vào mùa du lịch. Thị xã biển không ngừng lớn mạnh với tốc độ đổi mới chóng mặt: hơn 224 khách sạn, nhà nghỉ mọc lên; Sân golf có tổng số vốn đầu tư cả nghìn tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái, cung hội nghị sẽ khởi động trong nay mai;

Đường sá quy hoạch gọn đẹp, ánh điện sáng choang, đường phố đông vui tấp nập. Hàng năm, doanh thu từ dịch vụ du lịch mang lại cho thị xã hàng trăm tỷ đồng. Từ đói nghèo, Cửa Lò rũ cát đứng lên.

Trong phồn hoa đô thị, Cửa Lò vẫn còn nhiều phận người đang lặng lẽ mưu sinh. Chiếc thuyền câu bồng bềnh trên sóng, ánh đèn như mắt biển, tiếng rao đêm, tất cả tạo nên sắc thái của vùng bãi ngang “non xanh, nước biếc”.

MỚI - NÓNG