Đây là ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong văn bản trả lời Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề nghị góp ý dự thảo Báo cáo về việc rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh.
VCCI góp ý về việc gỡ điều kiện kinh doanh cho các cuộc thi hoa hậu. |
VCCI dẫn theo pháp luật hiện hành, cơ chế quản lý đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu là cấp phép cho từng hoạt động. Nhà nước sẽ xem xét nội dung cũng như hình thức tổ chức để quyết định cho phép hay là không. Đồng nghĩa mỗi khi doanh nghiệp tổ chức hoạt động cụ thể nào sẽ phải thực hiện thủ tục cấp phép cho hoạt động đó, bản thân doanh nghiệp không phải đáp ứng điều kiện hoạt động nào. Đây là hình thức quản lý phù hợp và hiệu quả, với mục tiêu kiểm soát các hoạt động có ảnh hưởng đến văn hóa, tư tưởng, thuần phong mỹ tục.
Như vậy, việc xác định biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, tức áp đặt điều kiện đối với chủ thể kinh doanh là chưa phù hợp với phương thức quản lý hiện tại và chưa hợp lý.
Theo VCCI, công cụ "điều kiện kinh doanh" chỉ nên sử dụng trong các trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh của chủ thể kinh doanh có thể tác động đến trật tự công. Ví dụ như đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, lý do là yếu tố trình độ của người khám bệnh là rất quan trọng, vì tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người…
Phạm vi một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện quá rộng có thể dẫn tới tình trạng, cơ quan quản lý sẽ xác định nhiều ngành nghề con khác là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong khi đó, các ngành nghề này không cần kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh.
Dẫn ví dụ "kinh doanh vàng" được xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư, VCCI cho biết, trong ngành nghề này có "kinh doanh vàng, trang sức, thủ công mỹ nghệ" là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vàng trang sức thủ công mỹ nghệ được xem là loại hàng hóa thông thường. Kinh doanh loại hàng hóa này không tác động đến lợi ích công cộng như các loại vàng khác trong cùng nhóm "kinh doanh vàng".
Vàng trang sức thủ công mỹ nghệ được xem là loại hàng hóa thông thường. |
"Bản thân các điều kiện kinh doanh của kinh doanh vàng, trang sức, thủ công mỹ nghệ cũng không có tính đặc thù về một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì không rõ về mục tiêu quản lý và Nhà nước muốn quản lý gì đối với ngành nghề này", VCCI cho biết.
Theo VCCI, thời gian qua, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã nhiều lần kiến nghị về việc loại bỏ hoạt động kinh doanh vàng trang sức, thủ công mỹ nghệ ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Cơ quan này đề nghị bổ sung vào dự thảo về việc đánh giá phạm vi của các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Trong đó thu hẹp lại phạm vi của một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ví dụ như "kinh doanh vàng", cần loại "kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ" ra khỏi phạm vi của "kinh doanh vàng".
Những bất cập tại ngành kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi phương tiện thủy nội địa; kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển cũng được VCCI góp ý. Một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh, bởi vì đã được quản lý bởi các biện pháp quản lý khác.
Kết quả khảo sát vừa qua của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tuy giảm về hình thức, nhưng nội hàm của ngành nghề mở rộng hơn, bao trùm hơn. Năm 2014, danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư gồm 267 ngành nghề. Sau đó, danh mục này được sửa đổi còn 243 ngành nghề (năm 2016) và còn 227 ngành, nghề (theo Luật Đầu tư 2020).