Hôm nay (6/7), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) tổ chức hội thảo về tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh. Tại hội thảo, nhiều ý kiến doanh nghiệp chia sẻ về các khó khăn, bất cập của môi trường kinh doanh.
Hội thảo về tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh do Ciem tổ chức. |
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM - cho biết, năm 2018, Chính phủ có Nghị quyết 19 chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi quy định tại Nghị định 09 theo hướng chỉ khuyến khích, không bắt buộc doanh nghiệp chế biến phải sử dụng muối i-ốt, bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải tăng cường kẽm, sắt.
Sau đó, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch sửa đổi Nghị định 09. Tuy nhiên, từ đó đến nay, kế hoạch này chưa được Bộ Y tế triển khai. Cùng lúc, hai quy định trái chiều tồn tại (Nghị định 09 và Nghị quyết 19).
Theo bà Chi, trong 5 năm chờ sửa nghị định, với hàng xuất khẩu, doanh nghiệp bất đắc dĩ phải làm trái luật. Vận dụng Nghị quyết 19 của Chính Phủ, doanh nghiệp in trên bao bì sản phẩm, bổ sung vi chất là khuyến khích, chứ không bắt buộc. Bà Chi cho biết, yêu cầu bổ sung bắt buộc iot, sắt, kẽm tại Nghị định 09 đi ngược lại nguyên tắc quản lý rủi ro, các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, thiếu hiệu quả và không phù hợp với quốc tế. Doanh nghiệp trong nước, xuất khẩu chịu tốn kém khó khăn vì quy định này.
Trước bất cập này, Bà Chi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Ciem tham mưu báo cáo Chính phủ khẩn trương chỉ đạo Bộ Y tế sửa đổi Nghị định 09, hoàn thành chậm nhất trong quý III năm nay.
Quy định về phòng cháy chữa cháy cũng đang tạo điểm nghẽn cho hàng loạt doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) - kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi các quy định về phòng cháy chữa cháy để phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh; áp dụng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo mức độ rủi ro; giảm tối đa các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
"Đối với các nhà máy đã quy hoạch xây dựng từ trước, thiếu hoặc chưa bảo đảm quy định các công trình về phòng cháy chữa cháy, cần cân nhắc sự phù hợp, có lộ trình áp dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và khắc phục. Với các đơn vị đã được thẩm duyệt và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn cũ, cần kéo dài thời gian được hoạt động tối thiểu từ 2-3 năm để doanh có thời gian và kinh phí nâng cấp, sửa chữa, thay thế hệ thống theo tiêu chuẩn”, ông Nam đề xuất.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, về cải cách điều kiện kinh doanh, giai đoạn 2016-2019, Bộ KH&ĐT cùng với các bộ, ngành đã rà soát tổng thể. Hầu hết các nghị định sửa đổi về điều kiện kinh doanh đã được ban hành (dưới hình thức một nghị định sửa nhiều nghị định quy định về điều kiện kinh doanh) để cắt bỏ, đơn giản hóa khoảng 50% số điều kiện kinh doanh.
Ông Đông cũng thừa nhận, thời gian gần đây, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và cải cách điều kiện kinh doanh nói riêng chững lại. Ở một số lĩnh vực, rào cản điều kiện kinh doanh thậm chí còn nặng nề hơn. Một số bộ, ngành ban hành và thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh với mức độ khắt khe và khó khăn hơn. Tình trạng này nếu không sớm được khắc phục có thể làm xói mòn các kết quả cải cách và làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp.