Điều chỉnh quy chế tuyển sinh đại học năm 2022:

Giữa ma trận mã ngành, thí sinh đăng ký thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với những điều chỉnh dự kiến của Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2022, mỗi trường ĐH có từ hàng chục đến hàng trăm mã ngành sẽ là một thách thức đối với thí sinh khi đăng ký nguyện vọng. Mặt khác, năm nay, thí sinh không có cơ hội sửa sai khi đã chốt đăng ký do không có đợt điều chỉnh nguyện vọng.

Điểm mới của tuyển sinh năm nay đang được Bộ GD&ĐT đưa ra trong dự thảo Quy chế tuyển sinh là tất cả các phương thức xét tuyển đều tổ chức lọc ảo trong đợt 1. Do đó mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng với 1 phương thức cao nhất. Quy định này sẽ hạn chế tình trạng “hớt váng” thí sinh cũng như chấm dứt chuyện mạnh trường nào trường đó gọi thí sinh trúng tuyển như những năm vừa qua.

Tuy nhiên, nó cũng gây khó khăn cho thí sinh khi đăng ký xét tuyển do mỗi trường có nhiều phương thức tuyển sinh nên một ngành sẽ có nhiều mã. Ví dụ năm 2022, trường ĐH Kinh tế Quốc dân xét tuyển 60 ngành/chương trình đào tạo với 3 phương thức tuyển sinh. Như vậy, khi đăng ký, thí sinh sẽ có 180 mã ngành/chương trình của trường ĐH này để lựa chọn.

Giữa ma trận mã ngành, thí sinh đăng ký thế nào? ảnh 1

Năm nay, rất có thể mỗi trường ĐH có hàng trăm mã xét tuyển Ảnh: Nghiêm Huê

Không những thế, với các phương thức xét tuyển riêng, các thí sinh phải đăng ký đồng thời tại các trường ĐH muốn học và phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Em Nguyễn Thị Hiền, thí sinh tự do tại Hà Nội cho biết, so với năm 2021, năm nay, các quy định và các bước xét tuyển rắc rối và thí sinh gặp nhiều nguy cơ hơn.

Ví dụ, muốn đăng ký xét tuyển ngành Kỹ thuật dệt may của trường ĐH Bách khoa Hà Nội bằng xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, năm trước chỉ cần đăng ký phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, đăng ký thi đánh giá tư duy và lấy kết quả xét tại trường. Nhưng năm nay, ngoài đăng ký thi và xét kết quả thi đánh giá tư duy trên hệ thống của trường, Hiền còn phải đăng ký trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. “Do có nhiều mã đối với một ngành, lại cùng lúc đăng ký nhiều phương thức xét tuyển, thí sinh rất dễ gặp sai sót đáng tiếc”, Hiền khẳng định.

Nắm chắc hai bước

Theo các chuyên gia, với dự định điều chỉnh kỹ thuật trong tuyển sinh như năm nay, thí sinh cần nắm chắc và thực hiện đầy đủ 2 bước để đảm bảo đăng ký xét tuyển thành công.

Bước đầu tiên thí sinh cần thực hiện đăng ký xét tuyển các phương thức riêng theo hướng dẫn của từng đơn vị. Sau khi thí sinh đăng ký xong, các trường sẽ tổ chức xét hồ sơ và công bố đủ điều kiện trúng tuyển. Đây được coi là kết quả tham khảo.

Bước thứ hai, khi Bộ GD&ĐT mở cổng đăng ký tuyển sinh nếu thí sinh sử dụng kết quả xét tuyển sớm mà các trường đã công bố thì nên đặt nó là nguyện vọng 1. Nếu vẫn còn lăn tăn, các em đặt những nguyện vọng yêu thích hơn lên trên, sau đó đặt nguyện vọng đã được xác nhận đủ điều kiện trúng tuyển ở phía dưới. Còn nếu không sử dụng kết quả xét tuyển sớm, các em hoàn toàn có thể bỏ qua.

Kết quả cuối cùng là thí sinh sẽ trúng tuyển sau quá trình lọc ảo của Bộ GD&ĐT với những nguyện vọng đã đăng ký trên cổng thông tin của Bộ. Trong trường hợp, thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển ở bước 1 nhưng không đăng ký ở bước 2 thì cũng không thể trúng tuyển. Còn thí sinh chỉ đăng ký bước 2 mà không đăng ký bước 1 thì các trường cũng sẽ không đủ dữ liệu để xét tuyển hồ sơ với những phương thức xét tuyển riêng. Vì thế, các em phải đảm bảo hoàn thành đủ 2 bước trên.

MỚI - NÓNG