Băm nát quy hoạch trước ngày Thủ đô mở rộng: Đua nhau ôm đất, lập dự án

Giữ đất dưới núi Thầy

Giữ đất dưới núi Thầy
TP - Chùa Thầy thuộc thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, đặc trưng cho vùng đồng bằng Bắc bộ yên ả. Vùng thắng tích xứ Đoài ấy lâu nay lại đang không yên, kể từ khi hàng loạt dự án khu du lịch sinh thái, biệt thự, nhà vườn, sân golf ồ ạt đổ về…
Giữ đất dưới núi Thầy ảnh 1
Cụ Phiệt (giữa) và hai người dân Thụy Khuê chỉ cánh đồng bị dự án sân golf nuốt

Dự án nuốt hết ruộng đồng

Sài Sơn là một trong những xã của huyện Quốc Oai cơ bản bị thu hồi đất nông nghiệp dành cho các dự án. Trong vài năm trở lại đây, đồng ruộng màu mỡ đang dần biến thành các dự án xây dựng các khu nghỉ dưỡng, nhà vườn sinh thái, biệt thự cao cấp, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại…

Thôn Thụy Khuê nằm ở trung tâm Sài Sơn, có danh lam thắng cảnh Chùa Thầy. Như Tiền Phong thông tin ở kỳ trước, chỉ đoạn đường dài khoảng một km từ đường Láng – Hòa Lạc vào đến trung tâm xã Sài Sơn đã có hơn chục dự án bất động sản, vui chơi giải trí.

Trong số đó, hoành tráng nhất phải kể đến hai dự án được mệnh danh là tiểu Tuần Châu tại Hà Tây (cũ) do Cty cổ phần Tuần Châu Hà Tây làm chủ đầu tư, gồm khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu trải trên diện tích gần 200 ha và khu nhà ở cao cấp Tuần Châu rộng 54 ha.

Đại dự án này bắc giáp khu di tích Chùa Thầy, nam là đường cao tốc Láng – Hòa Lạc đang xây dựng bao gồm sáu dự án thành phần: Sân golf 18 lỗ rộng 93 ha; khu vui chơi giải trí 22 ha; trung tâm thương mại quốc tế 180.000 m2; khu biệt thự sang trọng 54 ha; khách sạn 5 sao và trung tâm hội nghị quốc tế; khu căn hộ cao cấp.

Tổng vốn đầu tư của dự án đăng ký ban đầu là 3.178 tỷ đồng nhưng, tới thời điểm khởi công dự án ngày 25/2/2008, được nâng lên thành 5.000 tỷ đồng.

Một tỷ đồng/sào ruộng cũng không bán

Đó là tuyên bố của cụ Nguyễn Thế Phiệt, 85 tuổi ở xóm 2 thôn Thuỵ Khuê trong buổi làm việc với nhóm PV Tiền Phong. Thụy Khuê có tám xóm với trên 1.000 hộ dân xưa nay sinh sống nhờ đồng ruộng, hầu như toàn bộ diện tích đất canh tác của thôn đều nằm trong diện tích thu hồi để làm sân golf.

“Ước nguyện của dân chúng tôi là có đất để sinh sống” – Ông Nguyễn Nho Tư, 69 tuổi. Gia đình ông có 10 khẩu trông vào bảy sào ruộng, làm hai vụ cũng thu được chừng 15 triệu đồng/năm, nay bị dự án thu hồi phần lớn.

Tuyệt đại bộ phận dân thôn Thụy Khuê có hoàn cảnh giống nhà ông Tư, không có nghề phụ nào khác mà hoàn toàn trông vào đồng ruộng. Cụ Phiệt bảo:

“Họ lấy đất của dân chúng tôi mà không bàn bạc, thống nhất gì. Cứ họp áp đặt từ trên xuống, bỏ qua hết quy chế dân chủ ở cơ sở. Dân không đồng ý mà ông trưởng thôn vẫn báo lên trên là nhân dân đồng tình, nhất trí cao! Chúng tôi đã kiến nghị cấp trên cho bầu lại trưởng thôn vì ông ta làm quá nhiệm kỳ gần một năm rồi”. 

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng chỗ có cây trôi cổ thụ mấy trăm tuổi, cụ Phiệt thắp hương kính cẩn vái lạy trước đàn thờ Tiên Nông, là nơi đầu năm, người Thụy Khuê ra làm lễ cầu cho mùa màng tốt tươi, no đủ.

“Cánh đồng hai lúa, một màu vào loại bờ xôi ruộng mật này do ông cha chúng tôi để lại cho con cháu. Giờ họ lấy hết, trả mỗi sào 27 triệu đồng. Có trả một tỷ đồng/sào chúng tôi cũng quyết không bán tiền nhận rồi bao nhiêu cũng hết nhưng chúng tôi cần ruộng đất chứ không cần tiền dự án” - Cụ Phiệt rưng rưng. 

Khởi công trước, phê duyệt quy hoạch chi tiết sau

Ông Tạ Văn Sửu, nguyên Chủ tịch UBND Xã Sài Sơn vừa chuyển sang giữ chức Chủ tịch HĐND xã được mấy tháng nay là người rõ hơn ai hết những gì đang diễn ra ở Thụy Khuê. Chủ tịch xã đương nhiệm Nguyễn Đình Thụy cứ phải phê vào đơn của dân chuyển lên các cơ quan chức năng xem xét . “Khổ quá, dân cứ nói chúng tôi bán đất, chia nhau tiền tỷ nhưng nào có gì đâu” – Ông Sửu phân trần.

Theo ông Sửu, sở dĩ dự án vướng là do giá cả đền bù giải phóng mặt bằng bất hợp lý, trong cùng thời điểm bên huyện Hoài Đức áp dụng mức giá đền bù 45 triệu đồng/sào thì ở Quốc Oai chỉ là 27 triệu/sào. Lại nữa, khi về Hà Nội áp dụng mức giá mới thì tiền đền bù tăng lên 73 triệu đồng/sào nhưng diện tích đất phần trăm dịch vụ lại ít đi, tối đa 80m2/hộ chứ không phải 10 phần trăm diện tích bị thu hồi như trước.

Tuy nhiên, ông Sửu thừa nhận vấn đề mấu chốt là do dân bị mất đất sản xuất, không có công ăn việc làm. Cty Tuần Châu Hà Tây hứa khi  làm xong dự án sẽ giải quyết công việc cho 3.000 lao động, trong vòng năm năm sẽ góp vào quỹ khuyến học của Sài Sơn 7,5 tỷ đồng nhưng năm ngoái mới rót được 500 triệu đồng. Cty có mở một hội chợ hướng nghiệp, dạy nghề nhưng khi dân mang hồ sơ đến nộp thì không thấy hồi âm.

Một điều khó hiểu khác tại khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu là đại dự án này được UBND tỉnh Hà Tây trước đây phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định 2238/QĐ-UBND ngày 10/7/2008, đồng thời giao đất chính thức để thực hiện dự án tại Quyết định 2612/QĐ-UBND ngày 21/7/2008.

Việc này diễn ra trong bối cảnh quyết định sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của Hà Tây về Hà Nội được Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2008. Ngày 25/2/2008 dự án được long trọng khởi công. Vì sao một dự án được khởi công rầm rộ khi mà quy hoạch chi tiết 1/500 của nó chưa được phê duyệt? 

Xã Sài Sơn có khoảng 17.000 dân gồm sáu thôn, có tới 80-90 phần trăm làm nông nghiệp, nghề phụ chỉ làm gạch, nung vôi nhưng cũng không đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 7,7 triệu đồng/năm. Sài Sơn không có nhiều đất canh tác, nhưng diện tích đất cấy lúa được quy hoạch vào các dự án lên tới 459 ha.

(Còn nữa)              

MỚI - NÓNG