Cuộc thi robot toàn cầu “FIRST Global Challenge 2018” diễn ra từ ngày 16-18/8, tại Mexico với sự tham gia của 161 đội đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đội Việt Nam do do mentor Lê Ngọc Tuấn - chuyên gia công nghệ IoT và Robotics, đồng thời là nhà sáng lập Maker Hanoi làm trưởng đoàn.
Bốn thành viên của đội tuyển Việt Nam gồm: Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Tuấn Hà, Nguyễn Phương Nam và Trần Thảo Nguyên. Tất cả đều là thành viên Câu lạc bộ Robotics thuộc Trường THPT FPT.
Trong đó, Nguyễn Giang Nam và Nguyễn Tuấn Hà năm nay lên lớp 12, từng tham gia cuộc thi FIRST Global Challenge 2017 tại Mỹ. Lần thứ hai trở lại sân chơi này, hai bạn mang theo quyết tâm và những bài học đắt giá từ thất bại mùa trước. Hai thành viên còn lại năm nay lên lớp 11.
Sau 3 ngày thi đấu, đội Việt Nam thắng 7/8 trận vòng đấu loại, đạt 6.350 điểm. Tại trận play off, do không có sự phối hợp tốt, nhóm đội Việt Nam, Estonia và Eritrea đã thất bại trước nhóm Anh, Georgia và Qatar và nhận vị trí 12 chung cuộc.
Chia sẻ về kết quả đạt được, đại diện đội cho biết, năm 2018 là năm đột phá của đội Việt Nam. Thành tích này là một niềm tự hào rất lớn cho đội khi đã mang lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên sàn đấu quốc tế. Kết quả này cũng góp phần đưa hình ảnh của những người trẻ đam mê công nghệ đến với công chúng, góp phần thúc đẩy phong trào STEM ở Việt Nam.
Đội chỉ có 4 bạn nên cùng lúc đảm nhiệm nhiều vai trò. Trong đó, Nguyễn Tuấn Hà là đội trưởng, thuộc đội chiến thuật, chịu trách nhiệm lái robot. Nguyễn Giang Nam phụ trách thiết kế, lắp ráp, xây dựng chiến thuật, điều khiển robot.
Nguyễn Phương Nam đảm nhiệm lập trình, điều khiển các chức năng khác của robot. Trần Thảo Nguyên bao quát khâu truyền thông, xin tài trợ và cũng là lái phụ.
Cuộc thi là cơ hội giao lưu của các bạn trẻ đến từ khắp các châu lục
Ban Tổ chức FIRST Global Challenge đã gửi cho mỗi đội một bộ “kit” giống nhau gồm các bảng mạch, ốc, vít, bánh xe… để các đội lên thiết kế và lắp ráp robot. Từ tháng 4-5/2018, đội Việt Nam đã lên ý tưởng robot. Từ giữa tháng 6-7, đội mới có thể tập trung toàn lực lượng để ổn định nhân sự, hoàn chỉnh “đứa con robot”. Đến ngày 13/8 đội lên đường tham dự cuộc thi tại Mexico.
Năm nay, Ban Tổ chức không tài trợ cho các đội thi khiến đội Việt Nam gặp phải không ít khó khăn khi phải tự túc toàn bộ kinh phí. Thời gian để chuẩn bị cho cuộc thi cũng không có nhiều do Tuấn Hà và Giang Nam phải ôn thi SAT, giai đoạn chuẩn bị cũng trùng với những kỳ thi cuối năm, các thành viên vừa phải thiết kế robot, lập trình, tập luyện điều khiển robot vừa làm hồ sơ xin tài trợ, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, thực hiện các sản phẩm truyền thông theo yêu cầu của ban tổ chức… Thiếu thiết bị, đội cũng phải sử dụng thùng cacton tái chế lại để luyện tập.
Trần Thảo Nguyên cho biết thêm: “Tuấn Hà và Giang Nam đã bỏ ra rất nhiều thời gian để luyện tập robot, liên tục cải tiến và hoàn thiện robot, kể cả trước và sau khi đến Mexico. Ở ngày thi đấu thứ hai, robot được lập trình và sửa lại kết cấu cánh tay để có thể tăng hiệu quả ăn điểm trước đối thủ, chúng em cũng sử dụng lối chơi mới, nhờ đó team Việt Nam đã có một chiến thắng ấn tượng trước đội Mexico – đội chủ nhà, ứng cử viên sáng giá của chức vô địch, trước đó đang giữ chuỗi thành tích bất bại.
"FIRST Global Challenge" là một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2009 với mục đích tăng cường kiến thức khoa học giữa học sinh trung học, phát huy tính sáng tạo đổi mới và đoàn kết các nước thông qua công nghệ.
Cuộc thi robot thế giới “FIRST Global Challenge 2018” dành cho các học sinh THCS và THPT, có chủ đề “Tác động năng lượng” thu hút sự tham dự của 161 đội tuyển đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo thể lệ của cuộc thi, 3 đội tuyển sẽ được lập thành một nhóm thông qua việc bốc thăm ngẫu nhiên của Ban Tổ chức để thi đấu với một nhóm khác; và mỗi nhóm, với sự phối hợp cùng các đội khác nhau trong mỗi vòng đấu, tổng cộng sẽ thi đấu 8 trận.