Đó là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long và Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương.
Đáng chú ý, hai tỷ phú mới năm nay đều thuộc lĩnh vực sản xuất, một người làm thép và một người làm xe hơi.
Chắc hẳn phải có mối liên quan nào đó giữa sự thịnh vượng của một quốc gia với số lượng tỷ phú của quốc gia ấy. Một đất nước ngày càng có nhiều người giàu chính đáng, đất nước đó ắt sẽ ngày càng phồn vinh. Nước Đức có dân số và diện tích ngang với Việt Nam nhưng có tới hơn 100 tỷ phú, chúng ta mới có 4 chắc là còn quá ít.
Dân có giàu thì nước mới mạnh được. Chả thế mà nhiều quốc gia Âu Mỹ sẵn sàng chào đón và kết nạp những công dân mới tới định cư, miễn là bạn có một khoản đầu tư cỡ 500 ngàn euro hay 1 triệu USD kèm theo 5-10 chỗ làm mới cho công dân của họ.
Có một thời, và có thể bây giờ vẫn còn sót lại ở đâu đó, xã hội chúng ta có tâm lý không thiện cảm với người giàu. Những người làm kinh doanh đã từng bị gọi với cái tên đầy miệt thị là “con buôn”, thậm chí nghèo lại được coi là có lý lịch tốt, là thanh cao. Đó là một sai lầm!
Ngày nay, với trăm tỷ ngàn tỷ tiền đóng thuế mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, cùng nhiều đóng góp khác cho các hoạt động từ thiện, xã hội…, những doanh nhân thành đạt, những tỷ phú chân chính xứng đáng được tôn vinh. Những tỷ phú đô la này hẳn là niềm tự hào của Việt Nam thời mở cửa, hội nhập. Họ chính là những người tiên phong, có vai trò dẫn dắt và tạo nguồn cảm hứng cho các thế hệ các doanh nhân trẻ Việt Nam “bơi ra biển lớn”.
Nhìn ra thế giới, nhiều tỷ phú hàng đầu đều có cuộc sống khá giản dị, thậm chí họ cam kết hiến tặng tới 99% tài sản của mình cho xã hội. Hiện đã có gần 200 tỷ phú ký cam “Cho đi” (Pledge Giving) do 2 tỷ phú hàng đầu Warren Buffett và Bill Gates khởi xướng với cam kết tặng ít nhất một nửa tài sản cho tổ chức từ thiện.
Nhiều tỷ phú còn tuyên bố không để lại tài sản cho con cái để chúng khỏi dựa dẫm. Như thế, suy cho cùng tài sản của các tỷ phú này chính là tài sản của toàn xã hội sau khi họ từ giã cõi đời. Tôi nghĩ, với những tỷ phú cống hiến cả đời cho xã hội như thế, họ xứng đáng được người dân ngưỡng mộ và kính trọng.
Với ý nghĩa đó, những người giàu có chân chính nói chung hay các tỷ phú nói riêng, hẳn phải là thứ “tài sản” quý giá của đất nước. Nhiệm vụ của nhà nước là làm sao kiến tạo ra một môi trường giúp sản sinh ra ngày càng nhiều các tỷ phú chân chính tầm khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh việc ngày càng có nhiều người giàu, nhà nước cũng phải có nhiệm vụ để người nghèo mỗi ngày một giảm. Một xã hội phát triển theo chiều hướng người giàu thì tăng lên, còn người nghèo thì giảm đi, tầng lớp trung lưu ngày một đông đảo hơn, xã hội đó ắt sẽ phồn vinh và hạnh phúc.