Giậu đổ bìm leo

Giậu đổ bìm leo
TP - “Xuất đối dĩ, đối đối nan”, ra vế đối đầu dễ, tìm vế đối sau khó. Yêu đồng bào dễ, yêu ông hàng xóm khó. Nói về thói hư tật xấu của người Việt, chung chung đại để dễ, còn vạch mặt chỉ tên bắt tận tay day tận trán thì xin... “cạch”, chả dại gì.

Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau. Chống tham nhũng, người ta nói oang oang, nhưng đố thấy địa phương của người đó, ngành của người đó nói chuyện tham nhũng của chính ngành mình.

Nhưng mà né tránh, làm ngơ mãi chẳng được. Người viết bài này là nhà báo, cái hay cái tốt của nghề nói mãi rồi. Lần này xin nói về mặt tồn tại, khuyết điểm. Không phải thích “đốt đền” để nổi tiếng. Thực ra là chuyện không thể im lặng.

Chuyện là thế này. Mới rồi, báo chí ầm ầm đăng bài về một công dân trình báo bị mất cắp hai tỷ rưỡi tiền mặt toàn đô la Mỹ. Mất ngần ấy tiền thì đến... người Mỹ cũng phải bật cười! Công dân này được đánh giá thần kinh có vấn đề.

Theo pháp luật, trước tiên cần giám định y khoa, nếu đúng thì áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc. Nhưng nhà báo mình không viết thế. Chỉ thấy “thổi” công dân này lên thành “lang băm”, “lừa đảo”, “giả mạo tu hành”...

Công an bèn khởi tố, bắt tạm giam. Rồi mới thấy ông ta “bay bay”. Bèn gửi nhà thương điên. Có nhà báo chưa tha,  vào tận nơi để phỏng vấn. Rồi cái ông bị can - bệnh nhân tội nghiệp ấy được cho về do lâm bệnh nặng, và chết ở nhà.

Ông ta có điên không? Có lừa đảo chiếm đoạt tài sản ai không? Có chữa được bệnh bằng thuỷ châm đi kèm biệt dược không, hay trò bịp bợm? Người chết hết chuyện! Chả ai nói đến ông ta nữa. Xong một kiếp người.

Rồi một hôm tôi đọc được bài báo của đồng nghiệp Dương Trung Quốc. Về chuyện công dân kia có khả năng chữa bệnh, nhà báo Dương Trung Quốc khẳng định có cơ sở.

Bởi chính nhà báo từng được ông ta chữa khỏi bệnh. Khi ông ta bị tạm giam, với tư cách đại biểu Quốc hội, ông Dương Trung Quốc có thư tay gửi một lãnh đạo Công an địa phương, nhưng không nhận được hồi âm. Rồi hay tin ông ta chết khi chưa kết luận điều tra, hồn về chín suối, những bài báo còn lại cõi đời.

Nhà báo Dương Trung Quốc kêu gọi các đồng nghiệp hãy khách quan, thận trọng khi viết về một con người, dù đó là bị can bị cáo hay bệnh nhân tâm thần không có điều kiện cãi cự lại. Khi toà án chưa kết tội, khi nhà báo chưa có điều kiện tiếp xúc đầy đủ hồ sơ, nhân chứng, thì đừng vội kết tội một ai đó...

Vâng, chính bài báo của đồng nghiệp Dương Trung Quốc đã thôi thúc tôi viết những dòng này. Quả là nhà báo chúng ta dễ mắc cái tật xấu của người Việt là giậu đổ bìm leo. Hễ có ai đó bị bắt hôm trước là hôm sau rầm rộ viết bài, nhiều người phóng tay thêm dấm, thêm ớt, hạt tiêu, mù tạt.

Mới đây gia đình một người mới bị bắt đến toà báo gặp tôi. Họ trình bày con em họ có đơn kêu oan, tội danh chứng cứ chưa rõ ràng. Nhưng cứ theo những gì báo chí “bàn”, “tán” những ngày qua thì con em họ phạm toàn trọng tội, phen này rũ tù!

Tôi nói: Anh ta có oan không, cần chờ kết thúc điều tra, đặc biệt là khi luật sư được tiếp xúc hồ sơ. Cẩn thận hơn nữa thì chờ ngày mở toà. Một “nhà báo còi” như tôi lên tiếng lúc này, không chỉ chưa đủ chứng cứ, mà còn là chuyện đoàn tàu đang chạy, chỉ một má phanh áp vào phỏng có ích gì.

Mới đây tôi đọc tập truyện của một người từng viết bài. Anh này từng khá nổi “xì căng đan”, hai lần suýt ngồi nhà đá. Những lúc khó khăn, những khi hoạn nạn, anh ta đều được đồng nghiệp trong toà soạn giúp đỡ, dù chỉ là động viên tinh thần hay những trợ giúp pháp lý cần thiết.

Tuy thoát tù nhưng anh ta phải về hưu sớm, nói nôm na là “hạ cánh an toàn”. Rỗi việc, anh ta lôi chuyện cơ quan cũ ra viết. Tên người viết khác đi nhưng chuyện thì ai cũng biết là anh ta ám chỉ.

Điều đáng buồn là anh ta viết bằng giọng hằn học, cay độc, hết “phê” người này lại “phán” người kia. Nhiều người cho rằng anh ta không đủ tư cách để lên giọng như vậy.

Riêng tôi chỉ thấy buồn. Cầm bút viết văn, vui buồn đã có độ lắng. Một đời làm báo, đến khi về hưu nhìn lại chỉ thấy toàn chuyện hằn học cay độc bất đắc chí đến thế sao?

Vậy thử hỏi khi còn trẻ, làm sao đủ bình tĩnh để nhận ra ai đúng ai sai, để xác định ai đáng bênh vực ai đáng phê bình, để tránh chuyện a dua theo thời cuộc, để khỏi mắc thói “giậu đổ bìm leo”?

MỚI - NÓNG