Giao quyền công nhận chức danh GS, PGS cho cơ sở giáo dục đại học: Sẽ có lợi?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, chúng ta đang thực thi chính sách trao quyền tự chủ cho giáo dục đại học thì việc trao quyền công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các trường đại học là một xu thế tất yếu.
Giao quyền công nhận chức danh GS, PGS cho cơ sở giáo dục đại học: Sẽ có lợi? ảnh 1

TS Nguyễn Sóng Hiền - Viện quản lý và công nghệ Châu Âu

Đại học Quốc gia TP.HCM đề xuất cho phép thí điểm bổ nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư và trợ lý giáo sư. Việc thí điểm này gắn liền với các chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển nhân tài, các nhà khoa học trẻ và nhà khoa học đầu ngành để phát triển các chương trình đào tạo và nghiên cứu mới, phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Quy trình công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Theo đó, quy trình công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư gồm các bước đăng ký và nộp hồ sơ, thẩm định hồ sơ, xét công nhận đạt tiêu chuẩn tại Hội đồng giáo sư cơ sở; ngành, liên ngành và cuối cùng là Hội đồng giáo sư nhà nước. Sau khi được Hội đồng giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh, các cơ sở giáo dục mới được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, việc giao quyền xét và công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các cơ sở giáo dục đại học có thể mang lại những lợi ích nhất định.

Theo PGS Huy, việc này giúp các trường đại học chủ động hơn trong việc quản lý, phát triển đội ngũ giảng viên trình độ cao, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và gia tăng tiềm lực khoa học và công nghệ.

Là nhu cầu tất yếu

Về vấn đề có nên giao quyền công nhận chức danh GS, PGS cho cơ sở giáo dục đại học hay không, trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Sóng Hiền - Viện quản lý và công nghệ Châu Âu ( Europe Institute of Management and Technology) cho rằng, việc trao quyền tạo ra động lực và sự chủ động cho các cơ sở giáo dục đại học nhằm phát triển nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao đáp ứng đòi hỏi sự phát triển nhanh chóng của giáo dục đại học Việt Nam.

“Điều này thúc đẩy quá trình tự chủ đại học hội nhập nhanh với xu thế phát triển của nền giáo dục hiện đại của thế giới. Đây là yêu cầu tất yếu”- TS Hiền nhấn mạnh.

Nhìn theo góc độ nghề nghiệp học vị tiến sĩ hay học hàm giáo sư, phó giáo sư bản chất chỉ là các chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng như bao chức danh nghề nghiệp khác.

“Chúng ta không nên thần thánh hóa, hay để cao quá mức những danh vị này khiến tạo ra những quy định cứng nhắc, hành chính hóa chức danh khoa học làm cản trở sự phát triển đội ngũ khoa học ở các sở giáo dục đại học”- TS Hiền nói.

Tuy nhiên, theo ông Hiền, trong bối cảnh giáo dục Việt Nam việc thực hiện chủ trương giao công nhận các học hàm cho các trường đại học cũng cần có những quy định và tiêu chí chung được ban hành bởi Bộ chủ quản tạo hành lang pháp lý khung cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện.

Trong đó yếu tố công khai và minh bạch hồ sơ khoa học là yếu tố tiên quyết khi thực hiện công nhận các học vị hay học hàm. Và khi các trường được trao quyền này thì phải gắn liền với các trách nhiệm pháp lý khi trao quyết định công nhận cho cá nhân nào đó.

Ông Hiền chia sẻ thêm, ở những nước có nền giáo dục phát triển như Úc, việc công nhận các học vị hay học hàm đều được trao quyền cho các cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, các trường sẽ thành lập hội đồng khoa học để đánh giá và công nhận chức danh của các ứng viên dựa trên những tiêu chí khoa học được quy định chung bởi cơ quan kiểm tra tiêu chuẩn và lượng giáo dục đại học của chính phủ Úc TEQSA ( Tertiary Education Quality and Standard Agency) .

MỚI - NÓNG
Lại dừng phá bỏ tòa nhà đẹp nhất Cà Mau
Lại dừng phá bỏ tòa nhà đẹp nhất Cà Mau
TPO - Liên quan đến việc xử lý tòa nhà đẹp nhất Cà Mau xây không phép trên đất nông nghiệp, UBND TP. Cà Mau lại thống nhất cho chủ căn nhà chuyển mục đích sử dụng đất, thay vì đường chế phá dỡ phần vi phạm như quyết định trước đó.