Giao mùa, trẻ dễ mắc bệnh do virus

Giao mùa, trẻ dễ mắc bệnh do virus
TP - Hiện đang là thời điểm trẻ dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp và tiêu chảy do virus. Khoảng 80% bệnh nhi đến khám bị các bệnh này.

> Cẩn trọng với bệnh viêm xoang ở trẻ em

Bác sĩ Hiền khám cho trẻ bị viêm đường hô hấp
Bác sĩ Hiền khám cho trẻ bị viêm đường hô hấp.

Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) từ tuần nay luôn đông trẻ bị viêm đường hô hấp điều trị. PGS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, thời tiết ngày nắng, đêm se lạnh là nguyên nhân khiến số trẻ nhập viện do các bệnh đường hô hấp tăng, đặc biệt là trẻ bị bệnh hen.

Bệnh thường gặp ở các bệnh nhi là viêm phế quản phổi, viêm tiểu phế quản cấp và hen phế quản, viêm amidan...

Tại khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi T.Ư) chị Mai Hương bắt xe từ Nam Định tới viện từ sớm, vì bé trai con chị mấy đêm vừa rồi ngủ luôn khò khè, ban ngày cứ ăn vào lại nôn trớ, cơ thể có lúc âm ấm sốt chừng 38oC.

Theo bác sĩ Cù Thị Minh Hiền, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, những trường hợp như bệnh nhi này gặp không ít trong thời gian qua.

Có nhiều bé phải cấp cứu vì gia đình chủ quan để ở nhà tự chữa quá lâu khiến bệnh hen nặng làm trẻ khó thở.

TS Đào Minh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, hen phế quản là quá trình viêm mạn tính ở đường hô hấp với các đợt bệnh nặng gây cơn hen cấp tính.

Ở nhiều trẻ, các cơn bệnh này thường xảy ra vào ban đêm mỗi khi thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh.

Thông thường, hen phế quản thường xuất hiện ở trẻ khi trẻ bị nhiễm siêu vi trùng đường hô hấp, với các biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, ho… Theo thống kê của Khoa Khám bệnh 80% số trẻ tới khám tại khoa là bệnh viêm đường hô hấp.

PGS.TS Ngô Quý Châu khuyến cáo, để giảm nguy cơ trẻ mắc bệnh cần tránh cho trẻ tiếp xúc với các loại khói, bụi, đặc biệt không nên hút thuốc lá trong nhà có trẻ bị hen phế quản.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, miền Bắc đang bắt đầu vào mùa, trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus.

Hiện nay, mỗi ngày Khoa Nhi tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân. Có những đêm khoa tiếp nhận 2 hoặc 3 trẻ vào cấp cứu do mất nước. Phần lớn bệnh nhi là trẻ từ 2 tuổi trở xuống.

Tiêu chảy do Rotavirus thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như cảm lạnh, tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm, thậm chí có nhiều gia đình đổ tại trẻ mọc răng nên tiêu chảy.

Chính những nhầm lẫn đáng tiếc đó khiến không ít trẻ nhập viện trong tình trạng mất nước, vì bị tiêu chảy quá nhiều lần mà không được điều trị đúng cách.

Nguy hiểm hơn cả là nhiều cha mẹ tự ý cho con dùng thuốc kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy, thuốc chống nôn khiến cơ thể không đào thải được chất độc ra ngoài làm cho bệnh tình nặng thêm, sức khỏe của bệnh nhi suy giảm.

Khoa Tiêu hoá (Bệnh viện Nhi T.Ư) từng tiếp nhận những bệnh nhân bị rối loạn điện giải nặng. Nguyên nhân là bệnh nhân được gia đình cho bù nước bằng oresol nhưng pha sai cách.

Bác sĩ Bùi Thu Hương, Trưởng khoa Tiêu hoá cho biết trong điều trị tiêu chảy, bù nước oresol là phương pháp tốt nhất để chống mất nước gây rối loạn điện giải.

Tuy nhiên, không ít trẻ bị rối loạn điện giải ở mức nguy hiểm do bố mẹ cho uống nước oresol không đúng cách như pha sai tỷ lệ.

Bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, tiêu chảy do virus khiến ruột bị tổn thương, do đó cần cung cấp đủ dinh dưỡng để rút ngắn thời gian (5 ngày thay vì 15 ngày) hồi phục cho trẻ. Tuy nhiên không nên cho trẻ ăn những chất khó tiêu như bánh kẹo, thực phẩm chế biến sẵn...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG