Từ mục tiêu tốt đẹp ban đầu là cải thiện đời sống người dân địa phương, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã bị làm biến dạng, méo mó. Nhà cửa bị cưỡng chế, đập phá tan hoang, trong đó có cả những khu phố nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng. Đất tái định cư của dân giao cho các đại gia làm dự án kinh doanh. Hàng nghìn hộ dân bị đẩy ra đường. Người sống bị đưa vào các khu tạm cư chật chội, tạm bợ, người mất không có chỗ làm đám tang. Cán bộ trung kiên dám bảo vệ sự thật, nói lên tiếng nói lương tri thì bị trù dập. Họ ngược xuôi khiếu nại bị vu là nhóm này, thành phần kia, suy thoái đạo đức lối sống; kiện ra tòa thì bị xử thua.
Sau nhiều năm ròng sống trong cảnh khổ cực, khi tóc nhiều người đã bạc, chân chồn, niềm tin rơi rụng… nỗi oan khiên mới được làm rõ dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Lãnh đạo TPHCM liên tiếp nhận lỗi, cam kết trả lại công bằng cho dân và xử lý sai phạm các cán bộ liên quan. Và, khi mọi thứ chưa là hiện thực trọn vẹn TPHCM bất ngờ thông qua đề án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và vũ kịch trong một kỳ họp bất thường với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1.500 tỷ đồng.
Công bằng mà nói, kinh phí xây nhà hát lấy từ nguồn bán đấu giá khu đất vàng tại trung tâm TPHCM, không liên quan gì đến tiền đền bù cho người dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm. TPHCM cũng cần một nhà hát giao hưởng xứng tầm. Là đầu tàu kinh tế, đang hướng đến một đô thị ngang tầm trong khu vực, TPHCM cần có một công trình mang tính biểu tượng, như cái cách người Úc đã xây “nhà hát con sò” tại thủ đô Sydney.
Hơn 100 năm trước, người Pháp đã cho xây nhà hát thành phố để phục vụ cho khoảng 100.000 người dân. TPHCM hiện có trên 10 triệu người, trong đó có hàng trăm nghìn người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc. Vì lẽ đó, chương trình nhạc giao hưởng thính phòng “Giai điệu mùa thu” tổ chức hàng năm luôn “cháy vé”.
Thực tế là vậy, nhưng tâm hồn nhạy cảm của các nghệ sỹ có thanh thản khi được trình diễn hay thưởng thức những tác phẩm âm nhạc hàn lâm, kinh điển sang trọng, du dương trong một nhà hát xứng tầm nhưng lại được xây vội lúc nước mắt của nhiều người dân Thủ Thiêm chưa kịp khô và trong các bệnh viện, bệnh nhân còn phải nằm ghép, lăn lóc ngoài hành lang. Tại nhiều trường học ở ngoại ô, sỹ số học sinh lên tới 50 em/lớp.
Đành rằng, nếu tiếp tục chờ giải quyết xong tình trạng quá tải bệnh viện, trường học, ùn tắc, ngập úng có khi hết một đời người, TPHCM vẫn chưa có nhà hát giao hưởng. Nhưng ít ra phải đợi đến lúc vết thương ở Thủ Thiêm lành miệng. Chỉ đến lúc đó, những tác phẩm kinh điển thấm đẫm nhân văn mới không lẫn các tạp âm.