Mấy ngày qua có Clip phát tán trên mạng được xác định do học sinh Trường THCS Trường Yên (Chương Mỹ) ghi lại cảnh nhóm học sinh đánh hội đồng một học sinh.
Nữ sinh tội nghiệp ngồi yên trên bục giảng trong khi có tới 3-4 nữ sinh khác dùng nhiều chiêu để hành hạ như: nhảy trên bàn xuống đạp vào người, ngồi lên cổ, đạp vào lưng, bụng và cuối cùng là xé áo.
Suốt clip diễn ra cảnh bạo hành, các cửa trong phòng được đóng kín chỉ nghe tiếng cổ vũ, chửi thề của một số học sinh khác, tuyệt nhiên không có ai đứng ra can ngăn, bảo vệ nữ sinh bị đánh.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mâu thuẫn cá nhân. Nhóm học sinh tham gia vụ bạo hành gồm 5 học sinh lớp 7 và 1 học sinh lớp 8 tham gia quay clip đưa lên mạng xã hội.
Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với TS Tâm lý Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc Gia Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Nữ sinh chịu trận, không phản kháng khi bị nhóm bạn hành hung
Tôi thấy xã hội này quá nhiều bạo lực
PV: Nhiều người cho rằng, xem clip xong thấy sự việc học sinh mới chỉ 13-14 tuổi đã đánh bạn dã man? Ông nghĩ sao khi xem xong clip này?
TS Tâm lý Trần Thành Nam: Tôi không thể xem hết clip này vì cảm thấy rất thương tâm cho nữ sinh bị đánh hội đồng. Tôi tin rằng nhiều học sinh sau khi xem đoạn clip cũng có thể bị ám ảnh và sợ hãi những nguy cơ không tan toàn trong ngôi trường của mình. Tôi cũng cảm thấy lo sợ cho em nữ sinh bị đánh kia khi nội dung trên clip bị phát tán. Cần phải có công tác sơ cứu tâm lý và đảm bảo an toàn cho cá nhân học sinh trước những hậu quả tồi tệ hơn.
PV: Theo ông vì sao những hành vi bạo lực dã man với bạn cùng lớp vẫn tiếp diễn? Phải chăng do hình phạt của chúng ta chưa mạnh đủ sức răn đe?
Tôi không tiếp cận theo cách cho rằng các hình phạt của chúng ta chưa đủ mạnh, đủ răn đe mà ngược lại tôi đang thấy xã hội này quá nhiều bạo lực đang thay đổi niềm tin của trẻ về thế giới. Thử hỏi có bao nhiêu cha mẹ vẫn còn giữ quan điểm muốn con nghe lời thì phải roi vọt; muốn con không vi phạm thì phải làm cho con sợ và xấu hổ?
Trong cuộc sống hàng ngày, đã bao giờ bố mẹ ý thức việc mình mắng mỏ hoặc có hành vi bạo lực với nhau trước mặt con? Đã có bao nhiêu bố mẹ quan tâm và quản lý các nội dung bạo lực trên phim ảnh, truyền thông và internet mà con cái có thể tiếp cận? Ở trường, có bao nhiêu giáo viên tin rằng hình phạt nhẹ mà không có hiệu quả thì phải dùng hình phạt nặng hơn?
Tất cả những điều đó hình thành nên ở các em niềm tin rằng bạo lực là điều bình thường trong đối xử giữa con người với con người. Tin rằng để người khác coi trọng, nghe lời mình chỉ có thể dùng bạo lực. Và bạo lực nhẹ không có hiệu quả thì cần phải có những hình thức bạo lực mạnh hơn.
TS Tâm lý Trần Thành Nam
Có học sinh sau khi nhìn thấy lại hình ảnh mình bị đánh đã lên kế hoạch tự tử
PV: Theo ông, những học sinh bị đánh như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào đến tâm lý của các em sau này?
Ngoài những tổn thương về cơ thể do bị đánh hội đồng. Những tổn thương tâm lý nhất định sẽ xảy ra nhưng khó nhận diện. Nữ sinh sẽ có cảm giác lo lắng, hoảng sợ về sự an toàn của mình trong trường dẫn đến mất tập trung chú ý đến việc học, kết quả học tập sa sút. Hình ảnh bị bắt nạt có thể xuất hiện lại trong những giấc mơ làm giảm chất lượng giấc ngủ. Học sinh thu mình và cảnh giác với các mối quan hệ mới dẫn đến không học được kỹ năng cần thiết…
Cá nhân tôi biết có những trường hợp nhìn lại hình ảnh mình bị đánh trên mạng đã xấu hổ đến mức bỏ học vì không dám nhìn bất kỳ ai nữa. Cực đoan hơn, có những học sinh sau khi nhìn thấy lại hình ảnh mình bị đánh trên mạng đã lên kế hoạch tự tử để “những kẻ bắt nạt phải hối hận”.
PV: Nhiều người cho rằng nhiều vụ bạo lực như thế này đều xuất phát từ việc mâu thuẫn trên mạng xã hội? Ông có nghĩ như vậy không?
Theo kinh nghiệm của tôi, các vụ bạo lực học đường ngày càng trở nên phức tạp với sự xuất hiện của mạng xã hội. Thông thường các vụ bạo lực bắt nguồn từ những cuộc đấu khẩu nảy lửa trên mạng xã hội vì những lý do rất không đáng như “nó không thèm like dòng trạng thái của tao”; “tao không thích cái thái độ khi nó bình luận như thế”; “tao không thích cái cách nó kéo hội hùa vào phản bác một bình luận của tao”….
Cuộc khẩu chiến sẽ kéo dài cho đến khi một bên mất kiểm soát và quyết định thực hiện “dằn mặt” trên thực tế. Việc quay clip và đăng các vụ giải quyết cá nhân lên mạng cũng là cách để bọn trẻ thể hiện những thông điệp như “Ở đây ta là trùm”; “Đừng có dại và động vào tụi này”; “Những kẻ khác hãy tỏ ra biết điều”
PV: Vậy theo ông, đâu là mấu chốt để giảm bớt tình trạng bạo lực học đường tràn lan như hiện nay?
Con cái là hình ảnh phản chiếu của bố mẹ. Học trò là hình ảnh phản chiếu của thầy cô và Nhà trường. Để giảm bớt tình trạng bạo lực tràn lan như hiện nay đầu tiên bố mẹ và Nhà trường cần thay đổi những niềm tin, quan niệm về kỷ luật truyền thống sang những quan điểm về kỷ luật tích cực, kỷ luật không nước mắt.
Gia đình, nhà trường và xã hội cần chú ý, phân loại các thông điệp truyền thông trên tivi, internet mà trẻ có thể tiếp cận để cách ly trẻ khỏi những nội dung bạo lực, máu me, tình dục không phù hợp với lứa tuổi.
Trong môi trường học đường, bên cạnh việc cung cấp các khóa học về kỹ năng quản lý cảm xúc cần có thêm những giải pháp quản lý để đảm bảo sự an toàn như đặt camera theo dõi ở các góc khuất, không tụ tập, sử dụng phòng nếu không thông báo trước và có sự giám sát của giáo viên hoặc nhân viên.
Xin cảm ơn ông!