Bộ Chính trị cho phép xét đặc cách giáo viên hợp đồng: Sao Hà Nội không làm?

Bộ Chính trị cho phép xét đặc cách giáo viên hợp đồng: Sao Hà Nội không làm?
TPO - Vừa qua, để giải quyết dứt điểm các vướng mắc về giáo viên hợp đồng, Bộ Chính trị yêu cầu các địa phương rà soát. Với trường hợp giáo viên làm hợp đồng làm việc đúng quy định, ký hợp đồng trước 31/12/2015 thì cho phép tuyển dụng đặc cách.

Đó là khẳng định của đại diện Bộ Nội vụ khi nói về vấn đề tuyển dụng viên chức giáo dục tại các địa phương hiện nay.

Tại cuộc họp báo do Bộ Nội vụ tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết Bộ Chính trị, Thủ tướng đã có chỉ đạo vấn đề này.

Tinh thần chung là những người ký hợp đồng trước ngày 31/12/2015, có đóng bảo hiểm thì giao cho chủ tịch UBND căn cứ vào vị trí việc làm, biên chế để tuyển dụng.

"Bộ Chính trị, Chính phủ đã có tinh thần chỉ đạo như vậy, đề nghị các địa phương thực hiện đúng chỉ đạo để tránh hiểu nhầm", ông Thăng nói.

Nói thêm về vấn đề này, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội vụ, cho biết: Theo nghị định 29, giáo viên hợp đồng được xét đặc cách vào biên chế, nhưng nghị định 161 sửa đổi nghị định 29 quy định không được xét đặc cách. Nghị định 161 căn cứ vào các chủ trương, nghị quyết của Đảng về sắp xếp đơn vị sự nghiệp.

Vừa qua, để giải quyết dứt điểm các vướng mắc về giáo viên hợp đồng, Bộ Chính trị yêu cầu các địa phương rà soát. Với trường hợp giáo viên làm hợp đồng làm việc đúng quy định, ký hợp đồng trước 31-12-2015 thì cho phép tuyển dụng đặc cách.

Theo ông Trương Hải Long, để giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng, một số địa phương đã chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ xin được tuyển dụng viên chức theo quy định chung của Nhà nước.

Ngoài ra, nhiều địa phương cũng tổ chức thi tuyển công chức để khắc phục vấn đề giáo viên hợp đồng. Chủ trương hiện nay là giao cho các địa phương chủ động giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng.

Tuy nhiên, các giáo viên hợp đồng của Hà Nội không thể hiểu được tại sao Bộ Nội vụ, Bộ Chính trị đã cho phép các địa phương được chủ động trong tuyển dụng viên chức giáo dục trong đó, có thể đặc cách tuyển dụng giáo viên hợp đồng ký trước ngày 31/12/2015 nhưng Hà Nội không làm.

Theo kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo dục vừa được Hà Nội ban hành ngày 20/9, Thành phố chỉ sử dụng hai hình thức là xét tuyển và thi tuyển.

Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, cô Nguyễn Thị Minh Phương, giáo viên ngữ văn trường THCS Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, , người đã có 24 năm trong ngành giáo dục cho biết nếu yêu cầu giáo viên hợp đồng phải đi thi tuyển viên chức thì chắc chắn cô sẽ không tham gia. Hiện Sóc Sơn là 1 trong 22 quận, huyện, thị xã của Hà Nội tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục 2019.

Cô Phương dự đoán sẽ có nhiều giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn có cùng quan điểm như cô , đặc biệt là những người có hợp đồng lâu năm sẽ không tham gia thi tuyển viên chức sắp tới.

Nói về thi tuyển viên chức giáo dục năm nay, cô Phương cho hay thời gian đầu cô rất tin tưởng vào cách giải quyết vừa có tình, vừa có lý của Hà Nội và huyện Sóc Sơn, đặc biệt là đối với những giáo viên có thâm niên công tác.

Bây giờ, phải thi, cô muốn Sở Nội Vụ, huyện Sóc Sơn trả lời câu hỏi: "Những người có trách nhiệm đều nói giáo viên hợp đồng phải đi thi tuyển viên chức, không thi và thi không đỗ sẽ bị cắt hợp đồng là làm đúng luật. Vậy chúng tôi rất muốn biết suốt 23 năm qua, ngành nội vụ cũng như huyện Sóc Sơn áp dụng “luật nào” cho giáo viên hợp đồng"?

Do đó, cô Phương rất muốn lãnh đạo huyện, lãnh đạo Sở Nội vụ, lãnh đạo TP Hà Nội trả lời cho cô là ai sai, ai đúng.

Kế hoạch cho tương lai thế nào, cô giáo này vẫn chưa lên có lịch cụ thể vì bài toán cho tương lai hiện rất nan giải. Cô giáo chia sẻ: "Đã 24 năm rồi, tôi có mỗi nghề cầm phấn. Bây giờ chuyển nghề thì không biết làm nghề gì cho phù hợp. Nhưng nếu thực tế phũ phàng thế thì sẽ phải chấp nhận. Làm gì thì lúc đó sẽ tính. Thực ra, đến hôm nay, nhận kế hoạch thì mọi người mới thực sự vỡ mộng vì trước đó mọi người vẫn ôm hy vọng thành phố sẽ thực hiện theo chỉ đạo của chủ tịch UBND TP đã nói trước đó".

Cô Phương cũng thông tin thêm, từ tháng 3/2019 đến nay, khi nhận thông tin giáo viên hợp đồng phải thi tuyển viên chức, đã ảnh hưởng rất nhiều đến công việc. Có lúc cô thực sự cảm thấy mình có lỗi với học trò. Ngay hôm nay, cô suýt quên một việc ảnh hưởng đến quyền lợi của một học trò nghèo. May mà cô đã kịp “sửa sai”.

Hiện tại, giáo viên hợp đồng của Sóc Sơn vẫn được gia hạn hợp đồng nên vẫn giảng dạy bình thường. Cô Phương còn được nhà trường giao cho trọng trách giảng dạy lớp 9 để chuẩn bị cho học sinh thi vào lớp 10 sắp tới.

MỚI - NÓNG