Sáng 9/4, bên lề Kỳ họp thứ tám HĐND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trao đổi với báo chí về hướng giải quyết đối với những trường hợp giáo viên ký hợp đồng lâu năm trên địa bàn thành phố.
Về việc tồn tại 2700 giáo viên hợp đồng trên địa bàn thành phố, ông Chung cho biết: số giáo viên hợp đồng lâu năm chủ yếu rơi vào giáo viên dạy mẫu giáo, mầm non, cấp 1.
Trong các tiêu chuẩn, tiêu chí xây dựng thi tuyển đợt này có câu chuyện liên quan đến yêu cầu có ngoại ngữ, tin học. Kế hoạch tuyển của thành phố thực hiện nghiêm túc theo Nghị định 161 của Chính phủ, thực hiện nghiêm túc theo sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ. Trên cơ sở đó, hiện nay kế hoạch thành phố đã ban hành, UBND thành phố đã thành lập ban chỉ đạo do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu làm Trưởng ban, và giám đốc Sở Nội vụ làm Phó trưởng Ban thường trực.
Bước tiếp theo của kế hoạch này, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo là tất cả các quận huyện rà soát lại toàn bộ thực trạng số giáo viên đã đang nằm trong hợp đồng sẽ phải thi tuyển trong đợt này.
“Theo thông tin tôi nắm bắt được, đến chiều 8/4, kết quả báo cáo từ các quận huyện và Sở Nội vụ có một số lượng những cán bộ giáo viên đã được hợp đồng 15- 20 năm (có trình độ, kinh nghiệm giảng dạy rất tốt). Trên cơ sở đánh giá thực tiễn này, Ban chỉ đạo (BCĐ) thành phố sẽ họp để báo cáo thường trực Thành ủy, BCĐ 39 của thành phố nhằm đưa ra một phương án tối ưu nhất.
Tinh thần là tất cả giáo viên đã có kinh nghiệm, đã giảng dạy tốt chúng tôi sẽ đề ra những phương án vừa xét tuyển vừa thi tuyển để làm sao đảm bảo tuyển được những giáo viên có kinh nghiệm, có trách nhiệm, có chuyên môn cao và đảm bảo cuộc sống, công việc ổn định cho họ”, ông Chung khẳng định.
Ông Chung cho biết, đợt thi tuyển lần này đặt ra mục tiêu giải quyết được tất cả những tồn đọng trong 15- 20 năm vừa qua trong đó có việc giáo viên ký hợp đồng với thời gian dài.
Ngoài ra, ông Chung cũng cho biết, khi có chính sách đưa tất cả các trường giáo dục mầm non từ tư thục vào công lập, do đó thiếu hụt một lượng giáo viên trường mầm non. Chính vì vậy nhân dịp này thành phố sẽ tổ chức thi tuyển đủ số lượng giáo viên cho việc giảng dạy trong các trường công lập.
“Thông qua đợt này, mục tiêu của thành phố tạo ra sự ổn định, tâm lý ổn định toàn bộ hệ thống giáo viên trên thành phố, để họ yên tâm giảng dạy cho các cháu”, ông Chung chia sẻ.
Trả lời câu hỏi, từ năm 2015, thành phố đã có chỉ đạo chấm dứt ký hợp đồng với các giáo viên nhưng có tình trạng các quận, huyện cố tình không tuyển dụng những trường hợp được xét tuyển đặc cách. Có điều gì không minh bạch đằng sau, những quân huyện tồn tại nhiều giáo viên ký hợp đồng, rõ ràng vi phạm chỉ đạo của thành phố, thành phố có giải pháp gì?, ông Chung cho biết, thực tế từ đầu năm 2016 đến nay thực hiện chủ trương của Chính phủ, thành phố đã dừng toàn bộ viêc tuyển dụng, đến nay hơn 3 năm.
“Chính vì vậy đợt này, Hà Nội rà soát để giải quyết một lần tất cả những tồn đọng trong vòng 15- 20 năm qua. Còn việc những thông tin các bạn nêu ra, trên cơ sở thống kê của các quận huyện cụ thể từng trường, BCĐ sẽ có đánh giá cụ thể, thông tin công khai minh bạch.
Với những thông tin tôi có được, tôi hiểu việc ký hợp đồng giáo viên vào dạy trên cơ sở tiêu chuẩn, định mức quy định của Bộ GD&ĐT, số lượng giáo viên gắn với các bộ môn trên đầu học sinh. Cơ bản các trường trên địa bàn thành phố hiện nay đều thiếu giáo viên. Tuy nhiên có những trường thiếu giáo viên ở bộ môn này nhưng lại thừa ở bộ môn khác….Lần này thành phố sẽ có điều chuyển”, ông Chung nói.
Chủ tịch UBND thành phố cũng thông tin thêm, lần tuyển dụng này có sự khác biệt với tất cả các lần khác là mở rộng diện tuyển. Theo đó, giáo viên các tỉnh, thành phố đều được quyền tham dự chứ không chỉ giới hạn với những giáo viên có hộ khẩu Hà Nội.