Nhạc sĩ Giáng Son kể, cô có duyên với tác giả “Làng quan họ quê tôi” từ khi chưa nổi tiếng. Khi đó, khoảng đầu những năm 2000, nhóm năm người: Lan Hương, Giáng Son, Thùy Linh, Hồng Ngọc và Bảo Lan thành lập nhóm nhạc Du Ca chuyên hát acapela. Sau đó, chính nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khuyên các cô nên đổi tên nhóm, và ông tặng họ chữ “Năm dòng kẻ”.
Trong số những bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo, Giáng Son bị thu hút bởi “Cỏ và mưa”. Ban đầu bài thơ chỉ có 4 câu: “Em cỏ khát, ta mưa rào đầu hạ / Cỏ uống mưa run rẩy/ cỏ đang thì/ Mưa rào đến rồi đi/ cỏ xanh mềm ngơ ngác/ Ta biệt em/ lớ ngớ chẳng hẹn gì…”.
Sau này, trong một lần trả lời phỏng vấn, Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ: “Bài thơ “Cỏ và mưa” tôi viết gồm 4 câu, đây là một bài thơ sex. Những câu thơ gợi cảm được nhạc sĩ Giáng Son viết nhạc. Nhưng cô ấy viết nhạc xong xuôi, phần lời tới câu thơ thứ 3 thì thấy khó, ngỏ ý muốn tôi làm “lời đuổi theo nhạc” cho hoàn thành nốt câu cuối”.
Nổi tiếng đa tài đa tình, nhưng Nguyễn Trọng Tạo lại khẳng định: trong âm nhạc, không có một bài hát nào ông viết riêng tặng một người đàn bà cụ thể.
Nhạc sĩ Giáng Son nhớ lại: tôi phổ nhạc đến câu thứ tư thì bí vì ý thơ đã kết lại nhưng bản nhạc thì chưa. Thế là tôi mang bản nhạc viết tay đến “ăn vạ” anh Tạo phải viết thêm. Anh ấy thấy thích, đồng ý viết thêm 7 câu nữa cho đủ lời.
Ca khúc ngay sau đó được yêu mến rộng rãi qua phần trình bày của nhóm Năm Dòng Kẻ và sau nữa là ca sĩ Tùng Dương. Bản thân Giáng Son cũng làm một album cá nhân với “Cỏ và mưa” là chủ đạo. Đây cũng là chủ đề trong chương trình “Con đường âm nhạc” của Giáng Son. Cô là nữ nhạc sĩ đầu tiên được chọn lựa trong chương trình này.