Cty TNHH Nam Mỹ chuyên chế biến chả cá ở khu công nghiệp Trà Nóc có một dây chuyền sản xuất do trong nước làm ra, nhưng sử dụng thêm máy tách xương và vắt thịt cá nhập ngoại để so sánh. Máy ngoại đắt tiền nhưng hay trục trặc khi gặp đầu cá tra. Còn máy nội hoạt động rất tốt. Lãnh đạo Cty Nam Mỹ cho biết, dây chuyền do Cty TNHH Cơ khí Thế Dân ở khu công nghiệp Trà Nóc làm ra.
Làm cho doanh nghiệp ngoại
Giám đốc Cty Cơ khí Thế Dân, ông Lâm Thế Vân, giải thích, dây chuyền chế biến chả cá do nước ngoài sản xuất, sử dụng nguyên liệu là cá biển đã cắt bỏ đầu, “đưa sang nước ta gặp đầu cá tra là thua”. Trong làm chả cá có hai công đoạn quan trọng, tách xương cá và vắt thịt cho ráo nước để trộn gia vị, ép thành chả. Cá tra đã lóc phi-lê chỉ còn xương với đầu dính thịt, nếu dây chuyền ngoại thì phải bỏ đầu cá, máy mới hoạt động được. Còn dây chuyền nội, máy xử lý cả đầu cá, lấy thêm được khoảng 15% thịt cá, một giá trị không hề nhỏ với dây chuyền công suất 2 tấn thành phẩm/giờ.
Khởi đầu làm dây chuyền chế biến chả cá của Cty Cơ khí Thế Dân vào năm 2012, khi được Cty TNHH Một thành viên Kaneshiro Việt Nam của Hàn Quốc (Cty Kaneshiro) đặt làm. Cty Kaneshiro đưa bản vẽ thiết kế và cử nhân viên kỹ thuật giám sát suốt quá trình chế tạo, hai bên thực hiện hợp đồng tương tự thuê gia công. Tuy nhiên, máy tách xương và vắt thịt cá được cải tiến theo sáng kiến của Cty Cơ khí Thế Dân.
Ông Vân kể: “Thực hiện xong bốn hợp đồng chế tạo loạt máy, còn thiếu máy rửa cá nữa là hoàn chỉnh một dây chuyền. Lúc đầu, Cty Kaneshiro tính lấy máy rửa cá từ nơi khác nhưng thấy chúng tôi làm tốt nên đặt chúng tôi làm nốt để sớm đi vào hoạt động”. Cũng theo ông Vân, hai bên nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ dây chuyền cho Cty Kaneshiro thế chấp vay vốn ngân hàng.“Khác với nước ta chỉ nói hay mà không biết làm như thế nào, dự án của Đan Mạch giúp đỡ cụ thể nên hiệu quả rõ ràng, thiết thực”.
Ông Lâm Thế Vân
Dây chuyền chế biến chả cá ở Cty Kaneshiro chạy tốt, tách xương đầu cá tra và vắt thịt cá êm ru. Uy tín của Cty Cơ khí Thế Dân lan ra. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trong lẫn ngoài nước ở Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang đã đến đặt ông Vân làm nhiều dây chuyền. Sáng kiến chế tạo máy tách xương đầu cá tra của ông đã được thành phố Cần Thơ khen thưởng.
Trong nhà máy của Cty Cơ khí Thế Dân hiện có dây chuyền ép củi viên công suất lớn vừa hoàn thành. Ông Vân cho biết, chuẩn bị giao cho một doanh nghiệp để ép các loại phế phẩm trong chế biến nông sản như dăm bào, vỏ cây, vỏ hạt cà phê, lõi bắp thành những viên củi làm chất đốt. Dây chuyền này được chế tạo trên cơ sở thành công của những dây chuyền ép trấu ra viên chất đốt, đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo của xã hội.
Bên huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đối diện thành phố Cần Thơ qua sông Hậu, có doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Xay xát Toàn Thịnh đang ăn nên làm ra với hệ thống ép viên trấu do Cty Cơ khí Thế Dân sản suất. “Trước đây, tôi từng mua ba cái máy ép viên trấu của Trung Quốc nhưng không phù hợp, càng làm càng lỗ, muốn sạt nghiệp”, ông chủ DNTN Toàn Thịnh bộc bạch. Hơn năm nay, DNTN Toàn Thịnh mua hai hệ thống ép viên trấu của ông Vân, làm có lời, đang phục vụ nhiều người đến xay xát lúa không mất tiền nếu để trấu lại.
Ông Vân còn làm máy ép mụn dừa thành dinh dưỡng trồng cây, một mặt hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc chế biến dừa ở tỉnh Bến Tre. Sáng chế dây chuyền ép viên phân bón NPK của ông cũng đã được Cần Thơ khen thưởng và nhiều nhà máy đang sử dụng.
Vui chuyện, ông Vân kể, ông học kỹ thuật trước năm 1975 và năm 1978, được phân công về khoa cơ khí của Trường Đại học Cần Thơ để hướng dẫn sinh viên thực tập. Đam mê cơ khí chế tạo, năm 1987, ông hùn vốn với bạn bè mở cơ sở tại nhà. “Ban đầu, mua chịu cái máy tiện của một doanh nghiệp quốc doanh thanh lý, rồi có lúc thua lỗ quá, tôi đã định bỏ về quê Sóc Trăng làm ruộng”, ông nói.
Nhờ bạn bè giúp đỡ và vợ sát cánh, ông mới ở lại Cần Thơ theo đuổi đam mê, tuy nhiên doanh số hồi đó mỗi năm chỉ chục triệu đồng. Cơ may đến với ông vào năm 2000, ông được chương trình Danida của Đan Mạch tài trợ công nghệ chế tạo bánh răng, một trong hai dự án ở ĐBSCL, mà ông nhớ lại “có mơ cũng không dám nghĩ tới”. Lúc đang rất khó khăn, ông kể, có người bảo ông viết dự án thì ông ngồi viết ba trang giấy học trò, nộp lên không hy vọng gì nhiều nhưng lại được chọn.
Ông được đưa sang Đan Mạch, thăm một số cơ sở sản xuất để chọn đối tác giúp đỡ, còn được đến trường học lý thuyết. Sau hai chuyến đi, cơ sở của ông được giúp trang thiết bị và kỹ sư Đan Mạch trực tiếp hướng dẫn. “Khác với nước ta chỉ nói hay mà không biết làm như thế nào, dự án của Đan Mạch giúp đỡ cụ thể nên hiệu quả rõ ràng, thiết thực”, ông tươi cười.
Một đời người
Trở lại Cty Kaneshiro, nơi tạo điều kiện ban đầu cho ông làm dây chuyền chế biến chả cá nhưng sau đó, gây cho ông nhiều khó khăn kéo dài đến nay. Ông kể, làm xong dây chuyền sản xuất thì Cty Kaneshiro thay giám đốc, người mới này kiếm cớ trì hoãn trả số tiền còn lại theo cam kết hợp đồng.
Một nhân viên kế toán trong Cty Kaneshiro cho hay, mục tiêu của ông giám đốc mới là chiếm dụng vốn. Nhà máy của Cty Kaneshiro ở khu công nghiệp Trà Nóc có bốn doanh nghiệp thầu xây dựng. Trong đó, Cty Cơ khí Thế Dân làm dây chuyền chế biến chả cá, một doanh nghiệp khác ở nước ta làm hệ thống lạnh, hai doanh nghiệp của Hàn Quốc xây nhà cửa và hệ thống xử lý nước thải. Doanh nghiệp làm hệ thống lạnh đã phải kiện Cty Kaneshiro ra tòa để đòi nợ hơn 4 tỷ đồng.
Cty Cơ khí Thế Dân sau nhiều năm không đòi được nợ cũng phải kiện ra toà. Trong hai ngày 4 và 5/2/2015, Tòa án nhân dân quận Ô Môn (Cần Thơ) xử sơ thẩm, buộc Cty Kaneshiro trả cho Cty Cơ khí Thế Dân gần 2,9 tỷ đồng. “Trong lúc đó, cái máy vắt tinh thịt cá của chúng tôi chế tạo, Cty Kaneshiro đã tháo đưa sang cơ sở ở Pakistan”, ông Vân nói.
Phóng viên Tiền Phong không chú ý nhiều vào vụ kiện mà quan tâm đến đường đi của máy móc cơ khí. Từ cái máy vắt thịt cá do Cty Cơ khí Thế Dân làm ra, vừa được Cty Kaneshiro đưa sang Pakistan, có thể hình dung nhiều máy móc do doanh nghiệp nước ngoài đưa vào nước ta với giá cao nhưng có thật sự tốt hơn nước ta sản xuất? Ông Vân cho biết, doanh nghiệp ông làm phần cơ chiếm khoảng 80% giá trị dây chuyền. Tại sao doanh nghiệp của ông không hợp tác chế tạo để đăng ký bản quyền? Trầm ngâm lúc lâu, ông Vân nói: “Chúng tôi cũng muốn vậy nhưng trước đây không yên ổn nên tính không được, như từng gặp một doanh nghiệp Mỹ bàn hợp tác làm bánh răng thép mà không xong do khó khăn nhiều mặt”.
Doanh nghiệp của ông Vân đã phải qua 5 lần thuê mướn mặt bằng, lao đao di dời liên tục, mấy năm nay mới ổn định tại khu công nghiệp Trà Nóc. Hai con trai của ông theo ngành cơ khí, là kỹ sư chế tạo máy, một đang quản lý nhà máy cho ông, người còn lại sống ở Úc. Ông hạ giọng tâm sự, ông cùng ông Tăng Hồng “vua sơ mi-xy lanh” nhiều năm kiến nghị chính quyền quy hoạch cho doanh nghiệp cơ khí vừa và nhỏ một chỗ ổn định để phát triển mà chưa được. “Tôi năm nay 60 tuổi rồi, coi như đã hết một đời người. Những điều chưa thực hiện được đành trao lại cho con cái. Không biết rồi chúng có được tạo điều kiện để thực hiện hay không?”, ông nói và nhìn mông lung ra bầu trời đang chuyển mùa mưa.
Phóng viên Tiền Phong không chú ý nhiều vào vụ kiện mà quan tâm đến đường đi của máy móc cơ khí. Từ cái máy vắt thịt cá do Cty Cơ khí Thế Dân làm ra, vừa được Cty Kaneshiro đưa sang Pakistan, có thể hình dung nhiều máy móc do doanh nghiệp nước ngoài đưa vào nước ta với giá cao nhưng có thật sự tốt hơn nước ta sản xuất?