Lúc cuối đời, Leonardo da Vinci đã chấp nhận lời mời của vua Pháp, Francis I, rời Italia và để chuyển đến sống trong lâu đài Clos Lucé gần Amboise (Pháp) với một số sinh viên của ông. Leonardo mất ngày 5/5/1519 ở tuổi 67.
Sau khi qua đời, Leonardo da Vinci được chôn cất tại nhà thờ Saint-Florentin ở Thung lũng Loire (Pháp). Đến năm 1802, nhà thờ này bị phá hủy trong cuộc cách mạng Pháp và hài cốt của danh hoạ được cho là đã chuyển đến cải táng trong một nhà nguyện nhỏ của lâu đài Saint- Hubert.
Tuy nhiên, theo gợi ý trên bia mộ, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng đây dường như chỉ là mộ giả của Leonardo da Vinci. Họ tin rằng danh hoạ đã an nghỉ ở một nơi khác.
Ngôi mộ này được cho là mộ giả của Leonardo da Vinci.
Ông có thể đã để lại dấu vết về DNA của mình (vảy da, tóc, vân tay…) trong các bức tranh, các bản ghi chú, bản vẽ… Và các nhà khoa học dựa vào đó để tiến hành một cuộc săn tìm nơi an nghỉ thực sự của Da Vinci.
Các chuyên gia của Viện Craig Venter J. ở California (Mỹ), nơi tiên phong trong lĩnh vực phân tích bộ gen người hiện đang phát triển một kỹ thuật đặc biệt giúp trích xuất DNA của Leonardo da Vinci từ những bức hoạ hàng trăm năm tuổi của ông. Bức họạ đầu tiên được đưa vào thử nghiệm là kiệt tác “Adoration of the Magi” (“Sự tôn thờ Magi”), hiện đang được trùng tu tại Ý.
Bức hoạ "Sự tôn thờ Magi" nổi tiếng của Da Vinci.
Jesse Ausubel, Phó chủ tịch quỹ Richard Lounsbery hiện đang tài trợ cho dự án săn tìm DNA của Da Vinci tiết lộ: "Bên cạnh cọ vẽ, danh hoạ Da Vinci còn sử dụng cả ngón tay của mình để bôi màu. Do đó, rất có thể các tế bào biểu bì của ông đã được pha trộn với lớp màu bám trên tranh.”
Nếu các nhà khoa học tìm thấy DNA của danh hoạ trong bức tranh này, họ sẽ lập tức so sánh với mẫu gen di truyền lấy từ những người họ hàng hiện đang còn sống của ông để xác thực xem có đúng đó là DNA của Da Vinci hay không. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang săn tìm mộ của cha mẹ Da Vinci ở Florence và Milan (Ý) để lấy mẫu DNA.
Việc xác định chính xác mẫu DNA của Da Vinci sẽ giúp các nhà khoa học dễ dàng xác định đâu là mộ thật của danh hoạ. Và nếu họ tìm ra nơi mà Da Vinci an nghỉ, rất có thể mô hình hộp sọ của ông sẽ được tái tạo, từ đó vẽ nên chân dung thực sự của thiên tài hội hoạ này. Thậm chí, cả chế độ ăn uống và nguyên nhân bí ẩn gây ra cái chết của Da Vinci khi ấy cũng sẽ được hé mở qua các mẫu xương lấy từ hài cốt của ông.
Dự án săn tìm DNA của Leonardo da Vinci có sự tham gia của các nhà nhân chủng học. nhà sử học, nghiên cứu nghệ thuật và nghiên cứu sinh từ các trường đại học ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Canada, Hoa Kỳ. Kết luận chính thức sẽ được đưa ra vào năm 2019 nhân dịp kỉ niệm 500 năm ngày mất của Da Vinci.