Một số nhà nghiên cứu nói rằng kỹ thuật can thiệp khí hậu sử dụng công nghệ phun tầng bình lưu (SAI) có thể hạn chế sự gia tăng nhiệt độ đang gây ra biến đổi khí hậu.
Căn cứ vào giả thuyết chưa được chứng minh, công nghệ này sử dụng các ống lớn, pháo hoặc máy bay được thiết kế đặc biệt để phun một lượng lớn hạt sulphate vào tầng trên của khí quyển nhằm mục đích tạo ra một hàng rào phản chiếu chống lại ánh sáng mặt trời.
Theo công bố trên tạp chí Environmental Research Letters, các nhà khoa học tại Đại học Harvard, Mỹ cho biết, để có thể khởi động nỗ lực giải cứu trái đất ngay từ bây giờ và kéo dài trong thời gian 15 năm, dự kiến sẽ tốn khoảng 3,5 tỷ USD, và riêng chi phí cho hoạt động trung bình hàng năm sẽ vào khoảng 2,25 tỷ USD.
Chưa tính đến các giải pháp khác cũng như giá thành triển khai chúng, nghiên cứu này giả định sẽ thiết kế một máy bay đặc biệt có tải trọng 25 tấn để bay ở độ cao khoảng 20km.
Sau khi làm việc trực tiếp với một số công ty hàng không và chế tạo, các nhà khoa học cho biết, họ đã phát triển một thiết kế khả thi và có thể sẵn sàng triển khai trong 15 năm tới với mục tiêu giảm ½ tốc độ thay đổi nhiệt độ trái đất.
Tuy nhiên, trong báo cáo của mình, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng đây chỉ là một kịch bản giả định. Họ cho biết: “ Nếu một chương trình giả định tiến hành trong vòng 15 năm được triển khai từ bây giờ, mặc dù chưa chắc chắn và đầy tham vọng, nhưng thực sự xét về khía cạnh kỹ thuật, nó sẽ có thể khả thi với mức chi phí không quá lớn”.
Như vậy có thể thấy, giải pháp này vẫn còn tồn tại những rủi ro đối với các công nghệ tiềm năng chưa được chứng minh. Các nhà khoa học đã cho biết chương trình giải cứu SAI có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực như gây ra hạn hán hoặc thời tiết khắc nghiệt ở các nơi khác trên thế giới, gây hại cho sản lượng cây trồng cũng như các vấn đề quản lý và sức khỏe cộng đồng tiềm ẩn.
SAI cũng không giải quyết được vấn đề về tăng phát thải khí nhà kính carbon dioxide, nguyên nhân chính được cho là đang gây ra sự nóng lên toàn cầu.
Bình luận về nghiên cứu này, Phil Williamson tại Đại học East Anglia cho biết: “Các kịch bản như vậy đầy thách thức - và thỏa thuận quốc tế để tiếp tục những chương trình như vậy dường như không thể đạt được”.