Rà sơ bộ, giảm hơn 2.100 tỷ đồng
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 2/10, đại diện Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công-tư (Ban PPP, Bộ GTVT) cho hay, Ban này vừa hoàn thành bước đầu việc rà soát tổng mức đầu tư (TMĐT) các dự án BOT mà Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (phê duyệt tổng mức đầu tư, kiểm soát trong quá trình thi công, sử dụng...) trên quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Theo đó, trên hai tuyến có 21 dự án đầu tư theo hình thức BOT với TMĐT khoảng 39.255 tỷ đồng. QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ có 17 dự án với TMĐT phê duyệt khoảng 34.654 tỷ đồng; đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên có 4 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 4.601 tỷ đồng (chưa kể 1 dự án BOT do UBND tỉnh Đăk Nông là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền).
Trên cơ sở báo cáo của nhà đầu tư, Ban PPP tổng hợp số liệu vốn chưa sử dụng của 10 dự án trên 2 tuyến này. Cụ thể, 6 dự án trên tuyến QL 1 có TMĐT được duyệt là 12.016 tỷ đồng. Dự toán dự án đã được Viện Kinh tế Bộ Xây dựng thẩm tra, chủ đầu tư phê duyệt hoặc dự kiến phê duyệt là 10.424 tỷ đồng. Số vốn chưa sử dụng theo TMĐT được duyệt so với giá trị dự toán khoảng 1.592 tỷ đồng. Bốn dự án trên tuyến đường Hồ Chí Minh được duyệt là 4.601 tỷ đồng. Dự toán thẩm tra dự kiến còn 4.042 tỷ đồng; vốn chưa sử dụng khoảng 559 tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn chưa sử dụng của 10 dự án khoảng 2.151 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Trưởng ban PPP, giá trị dự toán thẩm tra giảm so với TMĐT như trên nhờ rút ngắn thời gian xây dựng (từ 2 tháng đến 9 tháng), giảm chi phí dự phòng do yếu tố trượt giá (nhờ thi công nhanh); kinh tế vĩ mô ổn định nên lãi vay và trượt giá giảm so với tính toán ban đầu; điều chỉnh quy mô phù hợp nhu cầu vận tải; áp dụng các giải pháp kỹ thuật kinh tế hơn.
Người dân mong chờ Nhà nước giảm phí hoặc rút ngắn thời gian thu phí sau rà soát tổng mức đầu tư các dự án BOT. Ảnh: Bảo An.
Có giảm phí?
Trước câu hỏi, có giải pháp nào để tiếp tục rà soát giảm TMĐT, ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Quản lý xây dựng và chất lượng các công trình giao thông (Bộ GTVT), cho hay, Bộ GTVT đã chủ động mời Kiểm toán Nhà nước vào làm việc; kiểm tra, thanh quyết toán định kỳ; bố trí các cục, vụ kiểm tra chéo để đảm bảo khách quan... “Tuy nhiên, dù có rà soát kỹ, khoa học, khách quan bao nhiêu, TMĐT dự án BOT luôn cao hơn các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước. Nguyên nhân do các dự án BOT phải trả lãi ngân hàng; chi phí bảo trì suốt đời dự án (dự án sử dụng ngân sách bảo trì không tính vào TMĐT) và lợi nhuận cho nhà đầu tư”, ông Sanh nói.
Với số vốn dư sau rà soát như trên, liệu thời gian thu phí các dự án BOT có giảm? Đại diện Ban PPP cho hay, trên cơ sở nhu cầu và sự cần thiết đầu tư, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung một số hạng mục vào Dự án BOT QL1 đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cầu Giát (Nghệ An), với tổng kinh phí khoảng 760 tỷ đồng, gồm nút giao với QL48 (văn bản số 454/VPCP-KTN ngày 11/4/2014, giá trị 250 tỷ đồng) và nút giao QL48B (văn bản số 855/TTg-KTN ngày 17/6/2015, giá trị 510 tỷ đồng). Như vậy, số vốn chưa sử dụng còn lại của 10 dự án khoảng 1.391 tỷ đồng.
Với số vốn dự án giảm khoảng 1.391 tỷ đồng và mức thu phí theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính, lãnh đạo Ban nói rằng, thời gian hoàn vốn của các dự án dự kiến giảm từ 4 đến 56 tháng tùy từng dự án. “Chúng tôi sẽ tham mưu trình lãnh đạo Bộ yêu cầu các dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và các bên liên quan cập nhật chính thức phương án tài chính để xác định chính xác thời gian thu phí và ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh”, ông Huy cho biết.
Ông Huy còn khẳng định, giá trị quyết toán để tính toán lại thời gian thu phí chính thức dự kiến còn thấp hơn với giá trị dự toán phê duyệt và đây là cơ sở để tiếp tục giảm thời gian thu phí. Theo ông Huy, trong tháng 10, Ban PPP sẽ hoàn thành và tiếp tục công bố kết quả rà soát TMĐT 11 dự án còn lại.
Theo lãnh đạo một tổng công ty xây dựng công trình giao thông, chi phí trả lãi ngân hàng đối với dự án BOT trong vòng khoảng 20 năm (với vốn vay 70-80% TMĐT, lãi suất hơn 10%) khiến TMĐT dự án BOT “đắt” gấp đôi dự án dùng vốn ngân sách.