Mở đầu phát biểu, ông Dương chia sẻ, đây là sự kiện xảy ra vừa hy hữu, vừa rất buồn, là sự cố y khoa dẫn tới một số bệnh nhân tử vong. “Đây là trách nhiệm của bệnh viện. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm về sự cố này. Qua đây xin gửi lời chia buồn tới các gia đình, đồng thời xin lỗi các gia đình, toàn thể cộng đồng”, ông Dương nói.
Theo ông Dương, khoa Thận Nhân tạo của bệnh viện đã thành lập được 10 năm, làm hàng trăm nghìn ca đều rất an toàn, nên sự cố xảy ra rất bất ngờ. Theo ông Dương, ngoài 7 trường hợp tử vong, hiện 10 bệnh nhân đang điều trị ở Bạch Mai, cơ bản đang hy vọng sẽ ổn định. “Còn trường hợp đang nằm tại bệnh viện đa khoa tỉnh thì vừa lọc máu, vừa phối hợp với các chuyên gia của bệnh viện Bạch Mai tiếp tục cứu chữa. Đang có thêm một kíp từ Bạch Mai đang lên”, ông Dương nói.
“Trách nhiệm thì chúng tôi không dám chối. Một lần nữa xin nhận trách nhiệm, và trách nhiệm đến đâu thì sẽ nhận đến đó. Chúng tôi xin lỗi nhân dân. Đây là bài học sâu sắc đau đớn cho chúng tôi. Cái này xảy ra ngoài mong muốn. Mong muốn báo chí, cộng đồng chia sẻ, cảm thông với chúng tôi và tiếp tục ổn định, duy trì và phát triển”, ông Dương nói thêm.
Trước đó, như Tiền Phong đã phản ánh, chiều 29/5, ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, sáng 29/5, khi đang chạy thận cho 18 bệnh nhân bị suy thận mạn phải lọc máu chu kỳ, đã xảy ra sốc phản vệ tập thể khiến ít nhất 6 người tử vong. Các ca sốc phản vệ xảy ra khi bệnh nhân bắt đầu lọc máu được 30 -40 phút. Ngay lập tức các bác sĩ đã dừng lọc máu cho bệnh nhân và chuyển sang cấp cứu gấp. Được biết 18 bệnh nhân này đều là bệnh nhân suy thận mãn, có bệnh nhân đã gắn bó với khoa thận nhân tạo nhiều năm.
Tối 29/5, ông Trương Quý Dương - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình cho biết, ngoài 6 trường hợp tử vong, còn 12 trường hợp đang điều trị còn lại, trong đó có 2 trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng hiện đang điều trị tại Khoa Hồi sức của Bệnh viện Đa khoa tỉnh; 10 trường hợp còn lại được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Thành phố Hòa Bình để lọc máu, chạy thận.
Ông Dương cho rằng, đây là trường hợp hi hữu, đau xót với đơn nguyên đã chạy 10 năm với trên 100 nghìn bệnh nhân chạy thận cấp cứu và chu kỳ an toàn. Ông Dương cho biết, khi khoa phát hiện đã xin ý kiến bệnh viện và ngừng chạy thận, tiến hành cấp cứu với phác đồ điều trị sốc phản vệ. Đồng thời, bệnh viện xin ý kiến chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai về hướng xử trí, báo cáo Sở Y tế, Bộ Y tế, lãnh đạo UBND tỉnh xin hướng giải quyết.
Bệnh viện đã khắc phục sự cố và đang tìm hiểu nguyên nhân. Bệnh viện xác định đây là trường hợp sốc phản vệ, nguyên nhân vẫn được các cơ quan chức năng, lãnh đạo các cấp như pháp y, công an thành phố điều tra, khi có kết quả sẽ thông báo tới gia đình bệnh nhân và công luận. Ông Dương tâm sự, bệnh viện mong muốn xã hội chia sẻ, cảm thông để tập trung cấp cứu cho bệnh nhân.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, đêm 29/5, thêm một nam bệnh nhân 61 tuổi chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã tử vong nghi do sốc phản vệ. Đây là bệnh nhân thứ 7 tử vong sau sự cố y khoa nghiêm trọng.
Nam bệnh nhân này tình trạng nguy kịch, từ buổi sáng đã được các bác sỹ tập trung hồi sức cấp cứu. Đến khoảng 21h, tình hình bệnh nhân diễn biến xấu, các y bác sỹ đã liên tục tiến hành cấp cứu bóp bóng, ép lồng ngực, tuy nhiên bệnh nhân không qua khỏi.
Hiện, còn một bệnh nhân nữ cũng đang trong cơn nguy kịch đang được các bác sỹ nỗ lực để cứu chữa, hy vọng giành lại mạng sống cho bệnh nhân. 10 bệnh nhân nghi sốc phản vệ còn lại đã được chuyển đến bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm.
Trong một diễn biến khác, chiều 29/5, Tổng cục Cảnh sát đã thành lập các tổ công tác gồm 4 đơn vị nghiệp vụ: Cục Cảnh sát hình sự, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra và Cục Kỹ thuật hình sự. Lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an đã phối hợp với Công an tỉnh Hoà Bình khẩn trương rốt ráo vào cuộc điều tra để sớm tìm ra nguyên nhân vụ việc.